Trên 96.500 trẻ từ 6 - 15 tuổi được học bơi và kỹ năng an toàn dưới nước

2 tháng trước 33
Chú thích ảnhHuấn luyện viên hướng dẫn trẻ em huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) học bơi. Ảnh tư liệu: Minh Thu/TTXVN

Phát biểu khai mạc chương trình, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhận định: Thông qua chương trình tập huấn, Ban Tổ chức mong muốn các cơ quan báo chí truyền thông sẽ cùng vào cuộc mạnh mẽ hơn, giúp xã hội, cộng đồng hiểu đúng bản chất hiện trạng công tác phòng, chống đuối nước trẻ em hiện nay; cần có các tuyến bài chuyên sâu để giúp nâng cao nhận thức trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, các cấp, các ngành trong việc góp phần làm giảm tình trạng đuối nước trẻ em.

Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã cùng tìm hiểu hiện trạng công tác phòng, chống tai nạn thương tích phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại Việt Nam và thế giới.

Tham dự chương trình, Tiến sĩ Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã chia sẻ những khuyến nghị của WHO và kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống đuối nước; nêu lên nhiều con số minh chứng tầm quan trọng của công tác phòng, chống tai nạn thương tích phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm 1 - 24 tuổi; nam giới có nguy cơ bị đuối nước gấp 2 lần so với nữ giới; trên 90% các ca tử vong do đuối nước xảy ra ở các nước thu nhập trung bình và thấp; đuối nước là nguyên nhân gây ra trên 2,5 triệu ca tử vong có thể phòng ngừa được trong thập kỷ qua… “Đuối nước không diễn ra một cách ngẫu nhiên. Đuối nước là vấn đề y tế công cộng có thể dự báo và phòng tránh được”, Tiến sĩ Dương Khánh Vân nhấn mạnh.

Chia sẻ tại chương trình tập huấn, bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia của Tổ chức CTFK/GHAI tại Việt Nam nêu lên hiệu quả của 6 can thiệp phòng, chống đuối nước ở Việt Nam, bao gồm: Làm hàng rào để cảnh báo, kiểm soát việc trẻ tiếp cận nguồn nước, tạo môi trường an toàn, tránh xa nguồn nước cho trẻ lứa tuổi mầm non, dạy cho trẻ độ tuổi tiểu học trở lên kỹ năng bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; đào tạo người dân kỹ năng cứu hộ và sơ cứu; xây dựng và thực thi các quy định về an toàn giao thông đường thủy; xây dựng khả năng chống chịu và quản lý rủi ro, cũng như các hiểm họa khác ở cấp độ địa phương và quốc gia.

Bà Đoàn Thị Thu Huyền cho biết, theo kết quả can thiệp từ Chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam do Tổ chức CTFK/GHAI thực hiện, đã có 44.398 trẻ từ 6 - 15 tuổi được học bơi an toàn; 52.250 trẻ từ 6 - 15 tuổi được học kỹ năng an toàn dưới nước; 30.204 cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non được hướng dẫn về phòng chống đuối nước trẻ em…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thúy Hằng, cố vấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ một số mục tiêu trong truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp chính quyền, cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em, được nêu tại Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em của Chính phủ.

Tại chương trình, các phóng viên, nhà báo đã cùng chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống đuối nước của Việt Nam và quốc tế; xây dựng ý tưởng, thông điệp, câu chuyện truyền thông cho các bài viết về phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Nguồn bài viết