Trái tim nhân từ của chàng trai trẻ

3 năm trước 477
Trái tim nhân từ của chàng trai trẻ - Ảnh 1.

Lương Thanh Thùy, người có trái tim dũng cảm và nhân hậu - Ảnh: T.T.

"Cứu, cứu, cứu con tôi với", tiếng gào khóc của những người mẹ khi phát hiện con mình rơi vào hố nước sâu, dần chìm xuống đáy.

Bên lằn ranh sinh tử, thầy giáo Lương Thanh Thùy (32 tuổi, giáo viên Trường tiểu học thị trấn Di Lăng số 1, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) lao đến.

"Tôi và nhóm của mình muốn gieo yêu thương, muốn cha mẹ và các cháu nhớ rằng có những người đang quan tâm và dõi theo mình mỗi ngày.

LƯƠNG THANH THÙY

Kỳ tích ở sông Rin

Buổi chiều một ngày giữa tháng 5, anh Thùy đang tắm sông ở bãi bồi gần cầu sông Rin thì nghe tiếng kêu thất thanh của những người phụ nữ. Trong ánh nắng cuối ngày, anh nhìn thấy một cháu bé được kéo lên, nhưng phía dưới làn nước lạnh vẫn còn hai cháu bé chìm xuống đáy sông.

Nhớ lại chuyện cũ, anh Thùy kể lúc ấy có một nhóm phụ huynh đi phía sau, các cháu nhỏ chạy phía trước. Vốn đoạn sông này nước nông, lâu nay bọn trẻ theo cha mẹ dạo chơi mà chẳng có chuyện gì nên các phụ huynh cũng chủ quan.

Chẳng ai ngờ dòng nước đã tạo ra một hố sâu rộng chừng 20m2.

"Dòng nước tự tạo ra hố nên các cháu lúc chạy nhảy bất ngờ hụt chân. Có 3 cháu đuối nước, 1 cháu may mắn được người lớn kéo lên kịp thời, 2 cháu còn lại dần trôi ra giữa hố. Lúc tôi chạy đến các cháu đã chìm rồi", anh Thùy kể.

Những người mẹ chỉ biết gào khóc, chẳng ai biết bơi, họ bất lực và hoảng loạn trước thực tại. Đúng thời khắc ấy, anh Thùy nhảy xuống hố, lặn một hơi dài và kéo một cháu bé lên khỏi mặt nước.

Khoảnh khắc bàn tay anh Thùy nâng lên, cháu bé đã chết lâm sàng. Lúc này, 2 người đàn ông ở trên cầu sông Rin thấy sự việc vội lao xuống hỗ trợ hô hấp nhân tạo cho cháu bé. Còn anh Thùy tiếp tục lặn những hơi dài.

Phía dưới đáy nước vẫn còn 1 cháu bé nữa. Lặn xuống rồi trồi lên, anh Thùy tìm mãi vẫn không thấy cháu bé còn lại. Trong khi tiếng gào khóc càng lớn hơn, khiến người thầy giáo trẻ càng thêm nóng ruột.

Anh Thùy mệt lả, chính anh cũng bất lực khi thời gian trôi qua, sự sống cũng cạn dần với đứa trẻ, sự trấn an duy nhất của anh là cháu bé được cứu lên trước đó đã tỉnh lại.

"Lúc đó tôi đã niệm Phật tìm kiếm sự bình tâm và cầu mong phép mầu chỉ giúp cháu bé ở vị trí nào để tôi có thể cứu được cháu", anh Thùy nhớ lại.

Có lẽ tấm lòng của anh đụng đến cao xanh. Trong nắng chiều, một người dân đứng trên cầu nhìn thấy dưới hố nước có vết gợn và hô lớn. Anh Thùy nghe theo vị trí và lặn xuống. Đúng là có cháu bé thật, khoảnh khắc ấy, lòng anh nặng trĩu bởi từ khi cháu bé đuối nước đã qua chừng 8 phút.

"Thú thật tôi rất buồn, tôi nghĩ sẽ chẳng còn cơ hội sống nào cho cháu. Nhưng kỳ tích lại xuất hiện, mọi người sơ cứu, hô hấp thì cháu bé tỉnh lại. Lúc đó, tôi mới cởi bỏ được gánh nặng ghì trong lòng", anh Thùy trải lòng.

Sự sống hồi sinh, hai cháu được chuyển gấp đến bệnh viện, anh Thùy vẫn ngồi thẫn thờ bên bãi sông, tự nghĩ lại những khoảnh khắc trước đó mà rùng mình. Anh bảo sẽ rất ám ảnh nếu 1 trong 2 cháu không qua khỏi. Có thể là cả một đời chẳng thể nào quên.

Buổi chiều hôm ấy, khi ánh nắng tàn dần trên sóng nước, anh Thùy bước về nhà trong lặng lẽ, người hùng trên dòng sông Rin tự lấy lại niềm vui khi đi ngang qua Trung tâm Y tế Sơn Hà, mọi người báo 2 cháu đã qua cơn nguy kịch.

Người hùng của nhiều mảnh đời

Chúng tôi hỏi anh Thùy có nhớ tên 2 cháu nhỏ không, anh Thùy gãi đầu thành thật là mình chẳng nhớ. Với anh, đó là việc mà bất kỳ ai cũng sẽ hành động. Cũng chẳng phải công trạng gì để nhớ đến hay cần người khác mang ơn mình.

Chỉ có một điều duy nhất anh mang theo trong những tháng ngày sau đó là niềm vui khi làm được một việc tốt.

Chị Võ Thị Hà, mẹ của 1 cháu bé được anh Thùy cứu, kể rằng gia đình mới chuyển về thị trấn Di Lăng sống và công tác chưa lâu thì xảy ra chuyện. Cho đến bây giờ, mỗi lần nhắc lại buổi chiều hôm ấy, chị Hà vẫn sợ hãi.

Chị Hà nghẹn giọng: "Tôi biết ơn anh Thùy lắm. Thật sự là gia đình mang ơn anh cả đời. Chính anh ấy đã sinh ra con tôi một lần nữa".

Có thể hiểu được cảm xúc của chị Hà, bởi khoảnh khắc con tuột khỏi tay mình chỉ ngay trước mặt. Bọn trẻ chạy phía trước, chỉ cách phụ huynh chừng 10m và chẳng ai nghĩ bất trắc đến.

Sau khi con khỏe trở lại, vợ chồng chị Hà đưa con đến nhà anh Thùy cảm ơn. Trên thị trấn miền núi, có 2 gia đình kết tình thân, khép lại một câu chuyện hãi hùng và mở ra một tương lai đầy tình người.

Người dân miền sơn cước kể về thầy giáo Thùy không chỉ chuyện cứu 2 đứa trẻ, từ lâu nay người dân miền núi đã quen với bóng dáng gầy guộc của thầy Thùy đi đến với những mảnh đời khó khăn.

Câu chuyện 3 chị em cháu Đinh Thị Huy (12 tuổi) mồ côi cha, mẹ đi làm xa, sống côi cút trong ngôi nhà ở xóm Cà Tu (thị trấn Di Lăng) từng lấy đi nước mắt của người dân khắp cả nước.

Có lẽ ít ai biết những hình ảnh đầu tiên về hoàn cảnh của cháu xuất phát từ anh Thùy, người thầy giáo ấy đã khởi đầu cho những yêu thương đến với chị em Huy. Cho đến giờ này, thầy Thùy cũng đang đỡ đầu cho Huy, để em có thể tiếp tục con đường học tập.

Thầy Thùy bảo rằng mẹ Huy đã trở về nhà chăm sóc, thỉnh thoảng anh lại ghé thăm, xem nhà thiếu gì thì "chi viện".

Dù cuộc sống của bé Huy không khấm khá gì hơn so với trước, nhưng ít ra em đón nhận được sự chăm sóc của mẹ. Điều ấy khiến anh Thùy vui. Bởi ngày cũ, khi chạm vào đôi mắt ngây thơ của 3 chị em, anh Thùy đã có những đêm dài mất ngủ.

"Khi tôi đăng tải câu chuyện của chị em Huy, rất nhiều người tìm đến giúp đỡ nhưng tôi cũng từ chối tiền mặt, chỉ nhận quần áo, sách vở, thức ăn. Tôi cảm ơn tấm lòng của mọi người và chỉ nhận 7,5 triệu đồng làm sổ tiết kiệm cho em thôi. Điều tôi mong là tình yêu thương dành cho cháu", anh Thùy tâm sự.

Tôi hỏi anh đã đến với bao nhiêu mảnh đời, đi qua bao núi đồi rồi. Anh bảo chẳng nhớ, cứ nghe ở đâu có hoàn cảnh khó khăn thì tìm đến. Anh cũng không quy định "biên giới" yêu thương của mình gói gọn ở huyện Sơn Hà.

Chuyến gần đây nhất, anh đi sẻ chia với cuộc sống khốn khó của người đồng bào Cor ở xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi.

Khi đứng trên đỉnh Cà Đam - nóc nhà của Quảng Ngãi - nhìn những đứa trẻ Trà Bùi lấm lem bùn đất, anh Thùy bảo vật chất có bao nhiêu cũng không đủ giúp người dân khá lên được. Điều căn cốt là thay đổi nhận thức, chính sự yêu thương mới đâm chồi hi vọng.

"Chỉ khi nào những chủ nhân tương lai của đỉnh Cà Đam có tri thức thì khốn khó mới lùi đi. Còn hiện tại, tôi và nhóm của mình chỉ muốn gieo yêu thương, muốn cha mẹ và các cháu nhớ rằng có những người đang quan tâm và dõi theo mình mỗi ngày", anh Thùy nói.

Phía núi khó khăn vẫn trùng vây. Lạc hậu, đói nghèo, phổ cập giáo dục vẫn là bài toán tiếp tục giải trong những năm đến. Nhưng có những người như anh Thùy ở đó, ai cũng tin vào tương lai tốt đẹp...

Đón nhận huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm

luong thanh thuy

Anh Thùy (phải) nhận huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm từ Trung ương Đoàn - Ảnh: T.M.

Với hành động dũng cảm và nghĩa cử cao đẹp, cứu sống 2 đứa trẻ đuối nước, anh Lương Thanh Thùy vinh dự được Trung ương Đoàn trao huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.

Anh Cao Lê Tùng Nghĩa, bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, cho biết: "Anh Thùy không chỉ dũng cảm mà còn có trái tim nhân hậu qua rất nhiều đóng góp cho giáo dục, thể thao và hoàn cảnh khó khăn ở huyện miền núi Sơn Hà.

Hành động cứu 2 cháu bé không chỉ có sự dũng cảm mà còn là tri thức khi anh Thùy và mọi người sơ cứu đúng cách, giúp 2 cháu vượt qua nguy kịch. Cảm ơn anh và mong sẽ có thêm những người trẻ sống trách nhiệm như vậy ở quanh chúng ta".

Khen thưởng những chiến sĩ công an kịp thời cứu người dân lúc nguy cấpKhen thưởng những chiến sĩ công an kịp thời cứu người dân lúc nguy cấp

TTO - Trong lúc địa phương thực hiện giãn cách, các chiến sĩ công an đã kịp thời hỗ trợ, đưa sản phụ đi sinh an toàn và chuyển cụ bà bị bất tỉnh đến bệnh viện cấp cứu kịp lúc...

Nguồn bài viết