Chiến đấu cơ MiG-29 của không quân Ba Lan - Ảnh chụp màn hình WSJ
Đầu tuần này, Ba Lan thông báo sẵn sàng chuyển 28 chiếc MiG-29 cho Ukraine. Số máy bay này sẽ được triển khai tới căn cứ không quân của Mỹ tại Ramstein (Đức) và từ đó chuyển tới Ukraine. Tuy nhiên Mỹ đã bác bỏ ý tưởng này.
Trong bài xã luận đăng ngày 11-3, Wall Street Journal cho biết quyết định từ chối chuyển máy bay cho Ukraine hoàn toàn thuộc về ông Biden nhưng không nêu thêm chi tiết.
Theo tờ này, quyết định dựa trên logic rằng việc gởi máy bay chiến đấu sẽ kích động người Nga. Gởi súng phòng không và vũ khí chống tăng như cách Mỹ đã làm trong thời gian qua sẽ không bị xem là hành động khiêu khích.
Tờ Telegraph của Anh cùng ngày dẫn các nguồn tin riêng cũng tiết lộ Tổng thống Biden đã tự mình ra quyết định sau khi nghe ý kiến của các quan chức Lầu Năm Góc và cơ quan tình báo Mỹ.
Các sĩ quan cấp cao cũng khuyên ông Biden không chuyển chiến đấu cơ cho Ukraine vì chúng không làm tăng đáng kể khả năng chiến đấu của không quân Ukraine và hiệu quả chỉ ở mức thấp.
Theo Telegraph, quyết định của ông Biden đã tạo ra sự thất vọng của các nghị sĩ Cộng hòa. Khoảng 40 trong số 50 thượng nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện liên bang đã ký một lá thư kêu gọi ông Biden hủy bỏ quyết định từ chối.
Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã phải gọi cho các thượng nghị sĩ Cộng hòa để phân tích ý nghĩa quân sự của việc chuyển máy bay cho Ukraine để giải thích cho quyết định từ chối của Tổng thống Biden.
Một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết lực lượng không quân Ukraine vẫn còn khoảng 56 máy bay và 80% vẫn còn khả năng tấn công. Tuy nhiên, Ukraine chỉ thực hiện từ 5 đến 10 lần xuất kích mỗi ngày.
Vị này khẳng định "không ai chỉ trích" người Ukraine vì bay ít, nhưng điều đó khiến Mỹ phải suy nghĩ về hiệu quả thực sự của việc chuyển thêm máy bay cho Kiev.
Tổng thống Biden từ chối mọi câu hỏi khi thông báo thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga ngày 11-3.
"Mỹ đảm bảo Ukraine sẽ có đủ vũ khí để phòng thủ trước quân đội Nga. Chúng tôi sẽ tiếp tục gởi tiền, thực phẩm và hàng viện trợ khác để cứu người dân Ukraine", ông Biden nhấn mạnh trong sự kiện được tổ chức tại Nhà Trắng.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố rõ "sẽ không gây chiến với Nga" vì nếu xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO, đó sẽ là "Thế chiến thứ III".
Theo thông cáo ngày 11-3 của Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Cuộc điện đàm dài khoảng 49 phút, trong đó ông Biden giải thích cách Mỹ đang gây sức ép với Nga bằng các lệnh trừng phạt với hy vọng có thể giảm leo thang chiến sự tại Ukraine.