Busan là một trong những trung tâm tài chính mới nổi của thế giới - Ảnh: NBBJ
TP.HCM đặt mục tiêu hướng tới trở thành trung tâm tài chính toàn cầu trước năm 2025. Trong thời gian qua TP.HCM đã tích cực học kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính lớn của thế giới để tìm ra hướng phát triển phù hợp.
Nhiều điểm tương đồng
"Tôi cho rằng Busan và TP.HCM có nhiều tương đồng... Cũng như Busan, TP.HCM có rất nhiều điểm mạnh về thị trường tài chính, như vị trí, sự ổn định đối với tỉ giá hối đoái, lãi suất thấp, nền tảng sản xuất công nghiệp...", ông Choi Keun Hwan, giám đốc đại diện Văn phòng Deajeon tại TP.HCM, nói với Tuổi Trẻ.
Ông Choi từng làm việc tại phòng tài chính quốc tế và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) của Ngân hàng Busan trong 27 năm và đã công tác ở TP.HCM khoảng 3 năm tính đến nay.
Ông đánh giá TP.HCM có tiềm năng lớn để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế tiếp theo, phục vụ cho nền công nghiệp sản xuất. Theo ông, hiện nay TP.HCM vẫn chỉ là một thành phố địa phương ở Việt Nam, nên tương lai sẽ cần chuyển mình từ "chuỗi cung ứng của khu vực trở thành chuỗi cung ứng công nghiệp cho cả nước".
Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) cho biết Busan, cùng với thành phố lân cận Gyeongnam và Ulsan, có nền tảng vững chắc về sản xuất (điện tử, xe hơi, đóng tàu, thép, công nghiệp hóa chất nặng, công nghiệp nhẹ...) và các ngành dịch vụ (tài chính, hậu cần, vận tải biển, văn hóa giải trí...).
Theo hiệp hội, việc TP.HCM nằm gần các trung tâm tài chính quốc tế như Hong Kong và Singapore, trong đó việc vị trí của Hong Kong đang lung lay là cơ hội tốt cho TP.HCM.
"Nếu có thêm không gian của Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và phát triển kết nối với sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), dự kiến là sân bay trung tâm Đông Nam Á, thì TP.HCM sẽ đủ sức cạnh tranh. TP.HCM hoàn toàn đủ khả năng với vai trò thị trường tài chính quốc tế", đại diện hiệp hội trả lời Tuổi Trẻ.
Để thu hút thêm đầu tư
Theo Bộ Ngoại giao, Hàn Quốc có tổng vốn đăng ký tại Việt Nam là 74,7 tỉ USD, lũy kế tới hết tháng 12-2021. Điều này giúp Hàn Quốc tiếp tục giữ vị trí là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 9.223 dự án còn hiệu lực.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc nhận định Việt Nam đã vượt qua thành công cuộc khủng hoảng COVID-19 và đang đứng trước cơ hội để tiến thêm một bước nhảy vọt nữa. "Nhiều công ty Hàn Quốc đang tích cực quan tâm đầu tư vào Việt Nam", tổ chức đại diện cho hàng ngàn doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, hiệp hội lo lắng sự thiếu hụt lao động sẽ là một trở ngại chính trong việc thu hút đầu tư từ Hàn Quốc. "Vấn đề chi phí sinh hoạt, nhà ở và phí giữ trẻ khá cao của TP.HCM là những trở ngại lớn đối với việc quay trở lại của người lao động (hậu dịch bệnh).
Về vấn đề này, có lẽ TP.HCM cần tích cực nỗ lực bình ổn giá cả, xây dựng nhà ở xã hội/ký túc xá cho công nhân và hỗ trợ tổng thể cho các cơ sở giữ trẻ", đại diện hiệp hội nói với Tuổi Trẻ.
Hiệp hội cho rằng đối với các công ty mới đang cân nhắc đầu tư mới tại TP.HCM, các công ty hiện hữu đang hoạt động tại đây sẽ là "những cố vấn quan trọng".
"Thành phố cần xem việc hỗ trợ tối đa cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hiện hữu là con đường tắt để thu hút các nhà đầu tư mới, từ đó mở rộng các chính sách hỗ trợ tích cực để thu hút thêm nhiều đầu tư mới đến với thành phố", đại diện hiệp hội nói.
Busan leo hạng nhanh chóng
Kể từ lần đầu tiên xuất hiện trong bảng xếp hạng Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) vào năm 2015, Busan đã tiến rất nhanh từ vị trí 51 vào nửa đầu năm 2020 lên hạng 33 vào cuối tháng 9-2021.
Theo Hãng tin Yonhap, Busan đã leo hạng nhanh chóng nhờ thành công thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài kể từ tháng 12-2020 và việc thành lập cụm tài chính toàn cầu. Busan có thể được xem là một trong những trung tâm tài chính toàn cầu "trẻ" khi so với Singapore, New York, London hay Hong Kong.