Đăng ký tình nguyện tại Trung tâm HOPE, đây là lần đầu tiên Thảo biết bế bồng, cho em bé bú
Vũ Phương Thảo (sinh năm 1993) làm trong công ty du lịch tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM). Dịch bùng phát nặng, Thảo đăng ký làm tình nguyện viên ở nhiều nơi nhưng đều hết chỗ. Một lần xem thời sự trên tivi, cô thấy báo đài đưa tin về Trung tâm HOPE - nơi các bé sơ sinh đang cần các cô bảo mẫu trong giai đoạn chưa được gia đình đón về. Cô hồ hởi tham gia khâu tuyển dù gia đình, bạn bè phản đối, vì sợ Thảo chưa có kinh nghiệm chăm con, chưa kể dịch thời điểm đó bùng phát mạnh.
Ca trực của Thảo là 12 tiếng, gồm các công việc: cho bé bú bình, thay tã, dỗ bé ngủ, phụ tắm bé… Cô còn quan sát tình trạng ăn ngủ, đi vệ sinh của bé, nếu bất thường thì báo ngay cho bác sĩ.
"Mình chỉ có kinh nghiệm chăm trẻ hồi cháu trai mới sinh tầm 3-4 hôm. Lúc bế các con ở trung tâm, ban đầu mình sợ lắm, vì con chỉ mới mấy ngày tuổi, nhỏ xíu à. Các chị khác trong đợt mình vào đều là giáo viên mầm non, điều dưỡng… nên bế bé rất khéo, chỉ có mình làm bên du lịch. Mình đặt nhiều tình cảm vào các con nên bắt chước, học theo rất nhanh. Sau 1-2 ngày tập luyện, mình bế bé được rồi", Thảo nói.
Có lúc, khi tới cữ bú, 15 bé cùng khóc một lúc khiến cô gái trẻ loay hoay không biết cho đứa nào bú trước, đứa nào sau. Cô chia khung giờ cứ tốp này bú rồi đến tốp kia, không cho cùng một khoảng thời gian. Sau 2-3 lần rút kinh nghiệm, mọi thứ đều ổn, các bé không quấy nữa.
"Các con chỉ mới 2-3 ngày tuổi, thương lắm. Tụi mình chỉ muốn ôm hết vào người mà ru như người mẹ. Có bé quen mùi, mỗi lần đến ca chỉ mình ẵm thì bé mới ngủ. Bạn khác ẵm thì bé khóc òa, phải đưa ngược lại cho mình.
Vài lần mấy con khóc làm tụi mình đau đầu, nhất là lúc trực khuya từ 19h đến 7h hôm sau. Khi chia tay tụi nhỏ, mình nhớ lắm. Mỗi lần thấy trẻ con lại nhớ đến các bé. Chăm các con mỗi ngày nên hiểu được từng con muốn gì, cần gì, hiểu ý con thế nào. Nhưng mình vui vì các con được về với vòng tay yêu thương của gia đình", Thảo chia sẻ.
Trong khi đó, Lê Thị Phương Lam (sinh năm 2003, Q.Gò Vấp) đọc nhiều thông tin về HOPE (trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ mắc COVID-19). Thấy thương quá vì con còn nhỏ mà thiếu vắng mẹ nên cô muốn đem tình thương đến cho các con.
Lam trong ngày đầu chăm sóc trẻ tại HOPE
"Lần đầu, em bối rối lắm vì chưa biết cách ẵm, không biết cho bé bú lẫn vệ sinh thế nào. Nhưng các con ngoan lắm, nhìn em bằng con mắt trong veo và nụ cười hồn nhiên. Em thương quá nên cố gắng lắng nghe các chị dạy và làm được", Lam nói.
Tuy gắn bó thời gian không nhiều với các bé, Lam vẫn quyến luyến mãi không rời. Cô gái mong các con sinh ra không được gần mẹ ở những ngày đầu đời sẽ luôn khỏe mạnh, hạnh phúc bên gia đình của mình. Cô học được sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và luôn đặt tình cảm của mình vào các con.
Còn cô giáo Đặng Thị Loan (sinh năm 1996), hiện là giáo viên mầm non tại Q.12, đến với HOPE khi trường được nghỉ dịch. Cô tiếp xúc với trẻ em rất nhiều, hiểu và thương trẻ, nên thấy thông tin tuyển tình nguyện viên chăm sóc trẻ sơ sinh thì không ngần ngại đăng ký ngay.
Thời gian chăm các em bé ở HOPE để lại cho cô giáo Loan nhiều kỷ niệm đẹp
"Là giáo viên nhưng mình thấy nhiều sự khác biệt lắm. Lứa tuổi mầm non cũng có ăn, uống, vệ sinh, dọn dẹp, thay đồ,… nhưng các bé đã ý thức và biết giao tiếp nên các cô đỡ vất vả hơn bé sơ sinh. Nhưng các bạn tình nguyện ở đây đều thương các em, dù vất vả cỡ nào cũng vượt qua hết.
Nhiều buổi sáng gần đây, gia đình và người thân đến trung tâm đón con. Chia tay các bé, mình không kìm được nước mắt vì xa các bé, nhưng vui lắm vì bé về được một nơi mà bé nên trở về. HOPE tạm ngừng, ai cũng mừng vì các con đã được gặp lại gia đình, dịch bệnh đã được khống chế", cô nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết (giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM) cho biết, số lượng thai phụ nhập để sanh giảm nhiều hơn trước, các hoạt động xã hội trở lại bình thường nên các tình nguyện viên cũng trở về với công việc. Trung tâm HOPE đã hoàn thành sứ mạng khi chăm sóc cho hơn 257 trẻ sơ sinh có mẹ F0 và gia đình chưa có điều kiện đón về. Trong đó, có 241 bé đã được về bên vòng tay thương yêu của gia đình và 16 bé đã được chăm sóc tại bệnh viện.
"Nhiệm vụ của trung tâm là chăm sóc tạm thời con của mẹ F0, ra đời khi đang cách ly. Các bé bình thường khi sinh ra được da kề da, được bú mẹ sớm, được nằm trong vòng tay của mẹ. Khi mẹ bị cách ly, các bé rất thiệt thòi. Hiện tại, thành phố tạm hết dịch, các bé không còn rơi vào hoàn cảnh đó nữa, bản thân tôi, các y bác sĩ ở bệnh viện, thầy cô giáo Trường mầm non Họa Mi 2, các bạn tình nguyện viên rất mừng", bà nói.
Theo bác sĩ, để nuôi dưỡng các bé, các bạn tình nguyện viên đã hy sinh đời sống riêng, đến trung tâm ở 3 tại chỗ, làm việc theo ca kíp, trực đêm hôm. Nhiều bạn chưa bao giờ có con, chưa bao giờ thức đêm đã hy sinh phần nào để bù đắp những mất mát của các đứa trẻ không may sinh ra trong thời điểm mẹ là F0 trong mùa COVID-19.
"Chúng tôi cũng cảm ơn cộng đồng đã chung tay với bệnh viện, hỗ trợ về tinh thần, cơ sở vật chất để có chỗ chăm sóc các cháu đầy đủ", bà chia sẻ.