Theo Bloomberg, Cơ quan giám sát chống độc quyền của Trung Quốc trong một tuyên bố của Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường cho biết đã đồng ý cho nhà sản xuất linh kiện bán dẫn đa quốc gia AMD tiếp quản Xilinx, một công ty bán dẫn của Mỹ. Tuy nhiên, động thái gật đầu này đi kèm với một số điều kiện nhất định.
Cụ thể, AMD không được phân biệt đối xử với khách hàng Trung Quốc và phải tiếp tục cung cấp các sản phẩm của Xilinx cho Trung Quốc, sau khi xác định thỏa thuận có thể loại trừ hoặc hạn chế cạnh tranh. Việc mua lại cũng giành được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý ở Mỹ, châu Âu và Vương quốc Anh.
AMD đã công bố về thương vụ mua lại Xilinx vào năm 2020 Reuters |
AMD công bố về thương vụ mua lại Xilinx vào năm 2020. Thỏa thuận có chữ ký của Giám đốc điều hành Lisa Su vào thời điểm đó nhằm giúp AMD nhân đôi nỗ lực thách thức Intel trong việc dẫn đầu về chip. AMD là đối thủ cạnh tranh với Intel, Nvidia Corp về bộ vi xử lý máy tính và đồ họa. Mua Xilinx sẽ đưa AMD tham gia vào các lĩnh vực như mạng ô tô và truyền thông, đồng thời củng cố dịch vụ của công ty trong thị trường béo bở dành cho các thành phần trung tâm dữ liệu đám mây.
Sự chấp thuận từ Trung Quốc có thể giúp xoa dịu lo ngại rằng các chính phủ, bao gồm cả Trung Quốc, đang ngày càng chống lại những vụ sáp nhập siêu lớn trong ngành bán dẫn khi tình trạng thiếu hụt thành phần quan trọng vẫn đang tiếp diễn. Việc thâu tóm các hãng chip trên toàn cầu đã phải đối mặt với không ít khó khăn tiềm tàng, vì các chính phủ hiện coi công nghệ và nguồn cung chất bán dẫn là vấn đề an ninh quốc gia, đặc biệt là sau tình trạng thiếu hụt chip kéo dài gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô và làm suy yếu sự phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.
Trong một diễn biến khác, Nvidia đang chuẩn bị từ bỏ việc mua lại hãng chip Arm của Anh từ SoftBank Group, sau khi vướng phải phản ứng dữ dội từ các cơ quan quản lý và không đạt được tiến triển nào trong việc giành được sự chấp thuận cho thương vụ trị giá 40 tỉ USD, theo Bloomberg.
Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đang chạy đua để bảo vệ và xây dựng công nghệ chip của riêng mình, cũng như chuỗi sản xuất trong nước. Mục đích là để đảm bảo nguồn cung trong tương lai và bảo vệ nền kinh tế của họ khỏi một cuộc khủng hoảng chất bán dẫn khác.
Căng thẳng địa chính trị gia tăng cũng thúc đẩy Washington và Bắc Kinh ngăn chặn một số giao dịch chip, vì lo ngại đối thủ có thể giành được lợi thế về công nghệ. Năm 2018, Qualcomm đã phải từ bỏ thương vụ tiếp quản nhà sản xuất chip NXP Semiconductors trị giá 44 tỉ USD, sau khi các nhà quản lý Trung Quốc phản đối.
Không chỉ các thương vụ lớn, mà ngay cả những giao dịch nhỏ cũng bị xem xét kỹ lưỡng. Quỹ Wise Road Capital của Trung Quốc đã chấm dứt lời đề nghị trị giá 1,4 tỉ USD để mua lại nhà sản xuất chip Magnachip Semiconductor Corp của Hàn Quốc vào năm 2021, vì không giành được sự chấp thuận của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ.