Nhà máy lắp ráp xe điện Tesla tại Trung Quốc - Ảnh: AFP
Theo báo cáo công bố ngày 24-1 của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), FDI đổ về Trung Quốc đã tăng 4% trong năm 2020 lên mức 163 tỉ USD. Trong khi đó, Mỹ chỉ thu hút được 139 tỉ USD từ khối FDI, giảm gần 49% so với năm 2019.
Lý giải về điều này, đài CNN cho biết trong bối cảnh kinh tế nhiều nước đều suy thoái, việc Trung Quốc vẫn tăng trưởng 2,3% đã biến quốc gia này thành một điểm đầu tư hấp dẫn.
Một nguyên nhân khác là do chính quyền Bắc Kinh đã kiểm soát tốt dịch COVID-19, cũng như đổ hàng trăm tỉ USD vào các cơ sở hạ tầng lớn để giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, lý do này có phần không đúng khi áp vào Ấn Độ, nước đông dân thứ hai thế giới. Đầu tư của các công ty nước ngoài vào Ấn Độ cũng vọt lên 57 tỉ USD trong năm ngoái, tăng 13% so với năm trước. Có được điều này phần lớn là nhờ chiến lược "Make in India" được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát động trước đại dịch.
Trung Quốc và Ấn Độ là hai trong số các điểm sáng hiếm hoi trong báo cáo của UNCTAD. Dưới tác động của COVID-19, bức tranh chung về FDI trong năm 2020 rất ảm đạm. Đầu tư trực tiếp của các công ty nước ngoài vào Anh và Ý, hai vùng dịch lớn ở châu Âu, đã giảm hơn 100%.
FDI vào Nga giảm tới 96%, Đức giảm 61%, Brazil giảm tới 50%. Úc, Pháp, Canada và Indonesia, những nước nằm trong tốp hút FDI năm 2019, chứng kiến sự sụt giảm ở mức hai con số.
"Tác động của đại dịch sẽ còn kéo dài", ông James Zhan - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư của UNCTAD cảnh báo. "Các nhà đầu tư sẽ trở nên thận trọng hơn trong việc đổ tiền đầu tư vào các dự án mới ở nước ngoài".