Người dân TP An Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) xếp hàng đợi lấy mẫu xét nghiệm PCR hôm 10-1 - Ảnh: VCG
Ngày 11-1, Trung Quốc thông báo ghi nhận thêm 110 ca mới trong cộng đồng, trong đó tỉnh Hà Nam và TP Thiên Tân - 2 địa phương đã xuất hiện Omicron - có lần lượt 87 và 10 ca. Truyền thông Trung Quốc mô tả nước này đang bước vào "trận chiến thực sự đầu tiên chống lại Omicron", sau khi Thiên Tân ghi nhận 2 ca cộng đồng đầu tiên mắc biến thể này.
Hàng triệu dân bị phong tỏa
Tại TP An Dương thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, các biện pháp chống dịch đã được nâng cấp để ngăn chặn Omicron. An Dương, với 5,5 triệu dân, trở thành TP thứ 3 ở Trung Quốc bị phong tỏa từ tối 10-1 sau khi có 2 ca Omicron đầu tiên thuộc cùng chuỗi lây với các ca Omicron ở Thiên Tân.
Ngày 11-1, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết An Dương ghi nhận thêm 58 ca cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh tại đây tính từ cuối tuần trước lên 84. Không rõ trong đó có bao nhiêu ca Omicron.
Chính quyền An Dương đã cấm mọi phương tiện giao thông hoạt động, yêu cầu người dân "ở đâu yên đó" trong lúc điều tra dịch tễ. Toàn bộ cơ sở kinh doanh không thiết yếu đều đóng cửa.
Trong khi An Dương đối mặt Omicron, 2 TP khác ở tỉnh Hà Nam là Vũ Châu và Trịnh Châu lại đang trải qua các đợt dịch mới do biến thể Delta. Vũ Châu (hơn 1 triệu dân) đã bắt đầu đợt xét nghiệm PCR toàn TP lần thứ 7 và áp lệnh phong tỏa từ cuối tuần trước. Trịnh Châu giảm số phương tiện được lưu thông, tàu điện ngầm chỉ hoạt động 50% công suất.
Trong khi đó, Tây An (thủ phủ tỉnh Thiểm Tây) đang hứng đợt dịch nặng nhất do Delta gây ra và đã bị phong tỏa tuần thứ 3. Tuy nhiên, số ca nhiễm ở TP 13 triệu dân này cũng đang giảm dần.
Tại Thiên Tân, chính quyền nhanh chóng triển khai xét nghiệm hơn 14 triệu dân từ hôm 9-1. Đến ngày 11-1, họ đã lấy 9,6 triệu mẫu xét nghiệm PCR, trong đó 3,4 triệu mẫu (chiếm 1/3) âm tính. Tuy nhiên, giới chuyên gia Trung Quốc lưu ý vẫn chưa thể biết Omicron đã lan rộng hay chưa.
Tại Bắc Kinh, các chuyên gia và đội ngũ y tế phụ trách Olympic Bắc Kinh 2022 đang theo dõi chặt chẽ và liên tục đánh giá tình hình Omicron. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Thiên Tân đã thiết lập cơ chế liên lạc với Bắc Kinh để trao đổi thông tin kịp thời nhằm đảm bảo Thế vận hội diễn ra suôn sẻ.
Chính quyền thủ đô Bắc Kinh cũng yêu cầu những người đã đến Thiên Tân từ ngày 9-12-2021 khai báo lịch sử đi lại. Ngoài ra, Bắc Kinh kêu gọi người dân "ở đâu yên đó" trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới để có một kỳ nghỉ "vui vẻ và yên bình".
Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: T.ĐẠT
"Thám tử bó tay"
Trong cuộc họp báo hôm 10-1, bà Trương Dĩnh - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Thiên Tân và là người có biệt danh "thám tử Sherlock Holmes của Thiên Tân" - cho biết so với Delta, Omicron lây nhanh hơn và ẩn nấp kỹ hơn trong cộng đồng. Do đó các biện pháp chống dịch phải được triển khai sớm hơn, nhanh hơn và nghiêm ngặt hơn trước đây.
"Do nguồn lây của đợt dịch này không rõ ràng, không có cách nào để nhanh chóng xác định nguồn lây. Vì vậy chúng ta phải chạy trước virus và tìm ra phạm vi lây lan của dịch" - bà Trương nói.
"Sherlock Holmes Thiên Tân" cho biết không loại trừ khả năng Omicron từ nước ngoài xâm nhập trực tiếp vào Trung Quốc. Bà cũng nói các nhân viên đang truy tìm nguồn gốc Omicron dựa trên những manh mối hiện có để xem biến thể này có phải từ các khu vực khác của Trung Quốc xâm nhập vào Thiên Tân không.
Giáo sư Kim Đông Nhạn - nhà virus học tại Đại học Hong Kong - nhận định so với biến thể Delta, Omicron đặt ra thách thức lớn hơn vì biến thể này lây nhanh và khó phát hiện do tải lượng virus thấp hơn. "Ngay cả khi Thiên Tân hoàn tất xét nghiệm trên toàn TP, có thể họ vẫn không phát hiện được toàn bộ ca nhiễm" - ông Kim bình luận.
Chuyên gia này nhận định: "Trung Quốc sẽ không thể đưa số ca bệnh COVID-19 về mức 0 ngay trước Olympic Bắc Kinh, vì các đợt dịch trong cộng đồng đang xuất hiện liên tiếp. Điều duy nhất Bắc Kinh có thể làm là học hỏi kinh nghiệm từ Thế vận hội mùa hè ở Tokyo (Nhật Bản) trong lúc dịch bệnh đang lây lan trong cộng đồng".
Triển vọng kết thúc đại dịch
Trong khi Omicron lan tới Trung Quốc và khắp nơi trên thế giới, hôm 10-1 đặc phái viên của Tổ chức Y tế thế giới David Nabarro cho rằng triển vọng chấm dứt đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới đã ở phía trước, song tình hình y tế toàn cầu sẽ còn phức tạp trong 3 tháng tới.
"Tôi e rằng chúng ta đang chạy marathon, nhưng chưa thể nói chúng ta gần về đến đích. Chúng tôi nhận thấy sự kết thúc của đại dịch không còn xa nữa. Trước khi đạt được kết quả đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với một số đợt tăng vọt ca nhiễm" - ông David Nabarro nói với Đài Sky News.