Trung Quốc thay đổi chiến lược chống dịch?

1 năm trước 134
Trung Quốc thay đổi chiến lược chống dịch? - Ảnh 1.

Người dân đi tàu điện ngầm ở quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) vào hôm 30-11, sau khi thành phố này nới lỏng các biện pháp hạn chế - Ảnh: AFP

Ngày 2-12, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết số ca nhiễm trong ngày của nước này giảm nhẹ vào hôm 1-12, với 34.980 ca nhiễm, thấp hơn mức 36.061 ca của ngày trước đó. 

Trong lúc đó, những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch hiện tại như Quảng Châu, Bắc Kinh, Trùng Khánh... đang chuyển sang tối ưu hóa phản ứng với dịch COVID-19.

"Chúng tôi tin rằng bài phát biểu của bà Tôn Xuân Lan cùng với việc nới lỏng đáng chú ý các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 ở thành phố Quảng Châu gửi đi thêm tín hiệu mạnh mẽ rằng chính sách "Không COVID-19" sẽ kết thúc trong vài tháng tới.

Ông Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc của Công ty tài chính Nomura (Nhật Bản), nhận định hôm 1-12.

Tình hình mới, nhiệm vụ mới

Chính sách chống dịch COVID-19 của Trung Quốc gây nhiều sự chú ý sau phát biểu của Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan vào hôm 30-11, khi bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tối ưu hóa phản ứng với dịch COVID-19 trong buổi lắng nghe ý kiến và đề xuất của các chuyên gia về việc cải thiện các biện pháp đối phó đại dịch.

Theo bà Lan, trong ba năm qua, Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ nước này luôn đặt sức khỏe và sự an toàn của người dân lên hàng đầu, đồng thời đối phó dịch COVID-19 bằng chiến lược nhất quán và các biện pháp linh hoạt.

Bà cho biết Trung Quốc "đang đối diện với tình hình mới và nhiệm vụ mới" trong công tác phòng chống dịch, khi "khả năng gây bệnh của biến thể Omicron yếu đi, nhiều người dân được tiêm phòng hơn và kinh nghiệm kiểm soát vi rút được tích lũy". 

Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Trung Quốc công khai thừa nhận vi rút gây bệnh dịch COVID-19 đã không còn nghiêm trọng.

Bà Tôn kêu gọi tối ưu hóa hơn nữa phản ứng với dịch COVID-19, cải thiện các biện pháp chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị và cách ly, đồng thời tăng cường tiêm chủng cho toàn dân, đặc biệt là người cao tuổi.

Đáng chú ý, theo bản tường thuật mà Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lại, bà Tôn đã không đề cập tới chính sách "Zero COVID" (Không COVID-19). 

Tại cuộc họp báo hôm 29-11, các quan chức từ các cơ quan như NHC cũng không sử dụng thuật ngữ này, khác với những gì đã diễn ra trong các cuộc họp báo trước đây.

"Là một phó thủ tướng và cựu ủy viên Bộ Chính trị, bà Tôn Xuân Lan lựa chọn từ ngữ cẩn thận. Vì vậy, việc bà Tôn không đề cập đến chính sách "Không COVID-19" không phải là chuyện ngẫu nhiên", ông Gabriel Wildau, giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Teneo Holdings ở New York, nhận định.

Tuy nhiên, hiện còn rất sớm để biết được khi nào Trung Quốc sẽ bỏ đi chính sách "Không COVID-19". Người cao tuổi là nhóm mà Trung Quốc đang dành sự quan tâm đặc biệt do vẫn còn nhiều người chưa tiêm đủ vắc xin COVID-19.

Trong tháng 11, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng bảy ca tử vong do COVID-19, trong đó người có tuổi nhỏ nhất cũng đã 81 tuổi và tất cả họ đều có bệnh nền. Các quan chức và chuyên gia y tế Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi người cao tuổi đi tiêm vắc xin COVID-19.

Nhiều thành phố nới "rào"

Trước mắt, bất chấp số ca nhiễm còn cao, các thành phố trên khắp Trung Quốc vẫn nới lỏng các biện pháp hạn chế. 

Đây là diễn biến đáng chú ý sau khi Trung Quốc vào tháng 11 công bố 20 biện pháp mới để tối ưu hóa chính sách kiểm soát dịch COVID-19, trong đó có nới lỏng một số quy định. Liệu đây là khởi đầu cho việc bỏ đi chính sách "Không COVID-19"?

Những ngày qua các thành phố như Bắc Kinh, Quảng Châu và Thành Đô, những nơi dịch bệnh vẫn đang hoành hành, đã tiếp tục tối ưu hóa chính sách chống dịch. Chẳng hạn Quảng Châu đã nối lại hoạt động kinh doanh, cho phép mở lại các dịch vụ ăn uống tại các khu vực có nguy cơ thấp. 

Còn các trung tâm mua sắm đang dần mở cửa trở lại ở Bắc Kinh từ ngày 1-12. Một số thành phố cũng đã bắt đầu cho phép những trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm được cách ly tại nhà theo một số điều kiện nhất định và miễn xét nghiệm PCR định kỳ cho một số nhóm. 

Chẳng hạn Thâm Quyến tuần này nói rằng nếu đáp ứng các điều kiện để cách ly tại nhà thì các trường hợp tiếp xúc gần sẽ không cần cách ly tập trung.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, các nhà dịch tễ học cho biết những biện pháp tối ưu hóa được thực hiện nhằm cân bằng tốt hơn giữa việc kiểm soát dịch COVID-19 và đảm bảo cuộc sống bình thường của người dân. 

Việc cho phép cách ly tại nhà đối với một số nhóm cũng giúp giảm áp lực cho nguồn lực bệnh viện vốn đã quá căng thẳng.

Bác sĩ Vương Quảng Phát, chuyên gia hô hấp hàng đầu của Trung Quốc, nhận định các biện pháp tối ưu hóa phản ứng với dịch COVID-19 sẽ giúp giải phóng một số nguồn lực y tế và những nguồn lực này có thể được dùng để tập trung điều trị các ca nhiễm nặng và đẩy mạnh công tác tiêm chủng, đặc biệt là ở người cao tuổi.

Ông Vương nói rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với "tình hình nghiêm trọng" trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. 

Ông Vương chỉ ra vì biến thể Omicron, đang chiếm ưu thế, có khả năng gây bệnh yếu đi nhiều nên nếu áp dụng chính sách kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt như trước đây thì điều đó sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống y tế.

Người dân vừa mừng vừa lo

Theo Hãng tin Reuters, việc một số thành phố ở Trung Quốc nới lỏng thêm yêu cầu xét nghiệm COVID-19 và quy định cách ly khiến người dân nước này vừa nhẹ nhõm vừa lo, trong bối cảnh hàng trăm triệu người đang chờ đợi sự thay đổi trong chính sách chống dịch của Trung Quốc.

"Cuối cùng, chúng tôi cũng có thể dần quay lại cuộc sống bình thường", bà Lili (41 tuổi, làm việc cho một chuỗi nhà hàng ở Quảng Châu vừa được phép mở lại vào ngày 1-12) cho biết.

Tuy nhiên, một người dân ở Bắc Kinh lại lo lắng bản thân sẽ mắc COVID-19 và lây cho mẹ già 80 tuổi, theo Reuters.

 Vi rút gây COVID-19 đã suy yếuPhó thủ tướng Trung Quốc: Vi rút gây COVID-19 đã suy yếu

TTO - Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan kêu gọi nỗ lực hơn nữa để cải thiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát COVID-19, thúc giục "tối ưu hóa" các chính sách xét nghiệm, điều trị và kiểm dịch do vi rút suy yếu về khả năng gây bệnh.

Nguồn bài viết