Theo Bloomberg, đài truyền hình trung ương Trung Quốc sáng 20.8 đưa tin cơ quan lập pháp của nước này đã thông qua luật Bảo vệ thông tin cá nhân. Thông tin chi tiết của luật mới chưa được công bố, nhưng theo các bản dự thảo trước đó thì các công ty bắt buộc phải có sự đồng ý của người dùng để thu thập, sử dụng và chia sẻ thông tin, đồng thời phải cung cấp thêm cách thức để người dùng có thể lựa chọn không tham gia. Công ty bị phát hiện vi phạm có khả năng đối mặt với khoản phạt lên tới 50 triệu nhân dân tệ (khoảng 7,7 triệu USD) hoặc 5% doanh thu hằng năm.
Những ngôi sao công nghệ quyền lực nhất Trung Quốc, bao gồm Alibaba, Tencent và Didi Chuxing, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã và đang không ngừng bị kiểm soát chặt. Chính quyền cũng tiến hành giải quyết lo lắng của người tiêu dùng về việc quyền riêng tư bị xâm phạm khi các công ty công nghệ đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc sử dụng các công cụ tiên tiến, từ nhận dạng khuôn mặt đến dữ liệu lớn.
Vào tháng 6.2021, cơ quan lập pháp của Trung Quốc đã thông qua một đạo luật liên quan cho phép ông Tập Cận Bình có quyền đóng cửa hoặc phạt tiền bất kỳ công ty công nghệ nào cản trở nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh. Động thái này diễn ra sau khi một số nhà lập pháp Mỹ kêu gọi kiểm soát các gã khổng lồ internet như Facebook, Alphabet, và khi các nhà quản lý châu Âu ưu tiên những hành động chống lại việc kiểm soát dữ liệu của người dùng.
Đạo luật mới có hiệu lực từ ngày 1.9 được kỳ vọng sẽ giúp chính phủ đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế dẫn đầu về dữ liệu lớn. Bắc Kinh đã và đang đổ tiền vào các trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để biến thông tin điện tử trở thành động lực kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, luật mới cũng là dấu hiệu cho thấy các ông lớn công nghệ Trung Quốc sẽ tiếp tục bị kiểm soát, dù cho hiện tại họ đã bị ảnh hưởng bởi hàng loạt quy định quản lý, từ cách thực hiện các giao dịch, dịch vụ giá cả cho đến cách khai thác lượng dữ liệu khổng lồ được tích trữ hằng ngày. Luật dữ liệu cá nhân mới sẽ thắt chặt quy tắc về hồ sơ người dùng mà các công ty lưu giữ. Việc chuyển thông tin cá nhân qua biên giới cũng bị hạn chế và mọi thông tin quan trọng phải được lưu trữ trong phạm vi Trung Quốc.
“Yêu cầu địa phương hóa dữ liệu không phải là điều mới hoặc duy nhất ở Trung Quốc. Nhưng xét về tác động thực tế đối với các công ty ở đây, thì việc tuân thủ luật hiện nay còn rườm rà hơn trước đây. Chúng ta sẽ thấy việc bắt buộc tuân thủ luật được thực thi thường xuyên hơn đối với tất cả các công ty ở Trung Quốc”, Nathaniel Rushforth, cố vấn an ninh mạng và dữ liệu tại công ty luật DaWo Law Firm Shanghai, nói.