Hình ảnh tại trụ sở của Alibaba ở Hàng Châu (Trung Quốc) - Ảnh: REUTERS
Mức phạt 2,8 tỉ USD này tương đương với 4% doanh số nội địa của Alibaba năm 2019, theo một tuyên bố từ Cơ quan giám sát thị trường Trung Quốc (SAMR) ngày 10-4.
Alibaba ngoài ra cũng bị yêu cầu thực hiện "những biện pháp khắc phục toàn diện", bao gồm tăng cường kiểm soát nội bộ, duy trì cạnh tranh công bằng, bảo vệ các doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng trên nền tảng của mình.
Đại gia công nghệ này cũng sẽ phải nộp báo cáo về khả năng tự điều chỉnh cho cơ quan có thẩm quyền trong ba năm liên tiếp.
Alibaba trong một tuyên bố cùng ngày 10-4 cho biết họ chấp nhận hình phạt và sẽ tuân thủ một cách "chân thành".
"Chúng tôi sẽ tăng cường hoạt động theo luật, thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng hệ thống tuân dựa trên sáng tạo và phát triển, đồng thời hoàn thành tốt hơn nữa những trách nhiệm xã hội", tuyên bố của Alibaba nêu.
Hành vi độc quyền được hiểu là cách các doanh nghiệp triệt tiêu sự cạnh tranh của đối thủ bằng cách buộc khách hàng phải chọn "một trong hai". Trong trường hợp của Alibaba, công ty này bị cáo buộc ép người bán hàng phải bán sản phẩm độc quyền trên nền tảng của họ.
Nếu người vừa đăng sản phẩm lên nền tảng của Alibaba, vừa đăng sản phẩm lên một nền tảng khác có thể sẽ bị trừng phạt bằng cách chặn lượt truy cập, theo báo South China Morning Post của Hong Kong.
Hãng tin Bloomberg nhận định hình phạt này là một phần trong chiến dịch siết chặt quy định của chính quyền, một chiến dịch khiến tương lai của đế chế công nghệ trong tay tỉ phú Jack Ma bị đặt dấu hỏi.
Alibaba đã phải chịu áp lực ngày càng lớn từ các nhà chức trách Trung Quốc kể từ khi ông Jack Ma, người sáng lập Alibaba, hồi tháng 10 năm ngoái đã lên tiếng phản đối cách tiếp cận trong quy định của chính quyền đối với lĩnh vực tài chính.
Những bình luận từ phía ông Ma cũng bị xem là nguyên cớ cho việc nhà cầm quyền mạnh tay hơn với Alibaba và các nhánh hoạt động khác, bao gồm sự kiện ngăn chặn kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trị giá 35 tỉ USD của Ant Group - nhánh công nghệ tài chính của công ty.
Tuổi Trẻ Online cũng từng phân tích trường hợp của Ant Group trong bài viết năm ngoái, thời điểm chính quyền Trung Quốc thông báo điều tra Alibaba.