Trung Quốc phát triển robot AI nuôi phôi thai trong tử cung nhân tạo

2 năm trước 252

Mặc dù mục tiêu của thí nghiệm này là để nuôi những con vật phục vụ cho mục đích thí nghiệm, công nghệ thông minh này hoàn toàn có thể ứng dụng để nuôi thai người.

Nghiên cứu này được đăng tải dưới dạng tạp chí chuyên môn (journal article) có tên Journal of Biomedical Engineering. Trong đó, các nhà khoa học tại Viện Kỹ thuật y sinh và công nghệ Tô Châu (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) cho biết họ đã phát triển AI Nanny, một trí thông minh nhân tạo có thể theo dõi và chăm sóc phôi thai phát triển thành bào thai trong một tử cung nhân tạo.

Trung Quốc phát triển robot AI nuôi phôi thai trong tử cung nhân tạo - ảnh 1

AI Nanny có khả năng nuôi phôi thai trong tử cung nhân tạo

THE MIND UNLEASHED

Theo nhóm nghiên cứu mô tả, trong tử cung nhân tạo, còn gọi là ‘'thiết bị nuôi cấy phôi dài hạn'’, các phôi thai sẽ được đặt trong các khối chứa chất lỏng dinh dưỡng để phát triển. AI Nanny sẽ đảm nhận theo dõi các phôi thai liên tục qua hệ thống cảm biến, máy ảnh, từ đó điều chỉnh nhiệt độ, lượng carbon dioxide, nước và dinh dưỡng theo thời gian thực, đồng thời phát hiện các phôi thai phát triển bất thường hoặc chết để loại bỏ kịp thời.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc kỳ vọng hệ thống này sẽ mở ra nhiều triển vọng nghiên cứu mới về sự phát triển của phôi thai người và giải pháp cho các vấn đề dị tật bẩm sinh, sức khỏe sinh sản.

Hiện tại, AI Nanny được ứng dụng để chăm sóc phôi thai của phần lớn các loài động vật, thế nhưng công nghệ này hoàn toàn có thể mở rộng và triển khai trên con người, cho phép phụ nữ không cần phải mang thai. Thậm chí, trong môi trường tử cung nhân tạo thì phôi thai có thể phát triển an toàn và tốt hơn.

Giải quyết những bài toán khó, nhưng gây ra nhiều tranh cãi

Với những lợi ích nói trên, ứng dụng AI Nanny vào sinh sản nhân tạo với con người hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều triển vọng và biến chuyển tích cực trong xã hội, đặc biệt là với những quốc gia đang phải đối mặt với vấn đề tỷ lệ sinh giảm nghiêm trọng.

Trước đó, nhiều công trình nghiên cứu về công nghệ tử cung nhân tạo đã xuất hiện tại Trung Quốc, Hà Lan và Israel. Chia sẻ quan điểm với tờ South China Morning Post, một nhà nghiên cứu của Viện Nhi khoa Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng việc nuôi cấy thai nhi và sinh sản bằng công nghệ không phải là vấn đề tiêu cực.

Tuy vậy, nhà nghiên cứu này cũng bày tỏ sự quan ngại rằng công nghệ này có thể được sử dụng vào những mục đích phi đạo đức: “Ứng dụng công nghệ này để sinh con đơn thuần thì không có gì để bàn cãi, nhưng nếu một số chính phủ sử dụng công nghệ này để ‘'sinh người’' thì lại là một vấn đề rất lớn”.

Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới vẫn đặt ra nhiều giới hạn nghiêm ngặt về việc nghiên cứu phôi thai người trên 2 tuần tuổi. Cá biệt, Trung Quốc cấm tuyệt đối việc mang thai hộ, do đó AI Nanny '‘mang thai hộ’' vấp phải nhiều chỉ trích là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Nguồn bài viết