Theo một tài liệu do Cục An ninh mạng Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Công nghiệp và Thông tin công bố trong tháng này, Trung Quốc đang có kế hoạch tăng lượng người dùng IPv6 lên 800 triệu người vào năm 2025, với 70% lưu lượng truy cập trực tuyến dựa vào giao thức mới.
Kế hoạch này cho thấy Trung Quốc sẽ có mạng “một cụm đơn” (single stack) vào năm 2030, thay thế hoàn toàn giao thức IPv4 hiện có đã được áp dụng từ đầu những năm 1980. Theo các cơ quan quản lý, chính quyền Bắc Kinh thúc đẩy triển khai giao thức mới vì đây là “xu hướng tất yếu trong việc nâng cấp internet, là hướng đi chủ chốt của đổi mới công nghệ không gian mạng và là cơ sở hạ tầng hỗ trợ quan trọng cho một quốc gia mạnh về không gian mạng”.
Các cơ quan quản lý nói Trung Quốc phải đẩy nhanh việc áp dụng IPv6, nếu không sẽ có nguy cơ “bị tụt lại nếu không tiến lên hoặc không tiến lên đủ nhanh”. Doanh nghiệp nhà nước, ngành tài chính, ứng dụng công nghiệp, mạng lưới giáo dục, hệ thống chăm sóc sức khỏe, giao thông, truyền thông và phương tiện truyền thông quốc gia là những lĩnh vực bắt buộc phải áp dụng IPv6.
Theo South China Morning Post, tổng số người dùng IPv6 ở đại lục đã đạt 127 triệu vào tháng 6.2020, ít hơn so với 143 triệu ở Mỹ và 358 triệu ở Ấn Độ. Trung Quốc cũng đứng sau về tỷ lệ thâm nhập của giao thức mới, khi mới chỉ có 24% sử dụng IPv6 trong cùng kỳ so với 54% ở Mỹ, 52% ở Nhật Bản và 61% ở Đức.
Tuy nhiên, tính đến tháng 5.2021, Trung Quốc đã vượt qua Ấn Độ để vươn lên vị trí số một về tổng số địa chỉ IPv6, với 528 triệu người dùng, đại diện cho hơn một nửa số người dùng internet của nước này, theo dữ liệu do cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc công bố.
Lợi ích lớn nhất của giao thức mới là nó có thể tạo ra nhiều địa chỉ IP duy nhất (unique IP). IPv4 cung cấp khoảng 4,3 tỉ địa chỉ, nghĩa là tất cả các địa chỉ có sẵn có khả năng bị cạn kiệt khi ngày càng nhiều máy tính và thiết bị được kết nối với internet. Trong khi đó, IPv6 có thể tạo ra số lượng địa chỉ IP duy nhất gần như vô hạn.
Giám đốc điều hành Network Box Michael Gazeley cho biết những tiến bộ công nghệ trong những năm gần đây, bao gồm biên dịch địa chỉ mạng (NAT), cho phép các thiết bị khác nhau chia sẻ một địa chỉ IP và khiến nhu cầu nâng cấp lên IPv6 trở nên ít cấp thiết hơn. “Không có áp lực quá lớn để phải chuyển sang IPv6 vào sáng mai”, Gazeley nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang có những kế hoạch đầy tham vọng về thành phố thông minh, nhà máy thông minh và nhà thông minh. Điều đó sẽ tạo ra nhu cầu bùng nổ về địa chỉ IP từ các cảm biến và thiết bị. Kế hoạch của chính phủ đã được thiết kế để giới thiệu IPv6 một cách “trơn tru và có kiểm soát”.