Trung Quốc lên kế hoạch tìm kiếm 'Trái đất thứ hai'

2 năm trước 184
Trung Quốc lên kế hoạch tìm kiếm Trái đất thứ hai - Ảnh 1.

Trung Quốc đang lên kế hoạch tìm kiếm Trái đất thứ hai với dự án Earth 2.0 - Ảnh minh họa: NASA Ames

Sau những thành công nhất định ở lĩnh vực khoa học vũ trụ, như đưa robot tự hành lên Mặt trăng và sao Hỏa, Trung Quốc đã và đang tiến đến những thử thách kế tiếp với việc khám phá những hành tinh xa xôi hơn, trong đó có dự án mang tên Earth 2.0.

Dự án này nhằm tìm kiếm những hành tinh có sự sống và điều kiện giống Trái đất nhưng nằm bên ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta. Đây cũng được xem là sứ mạng và mục tiêu của Trung Quốc.

Theo tạp chí Nature, Trung Quốc hy vọng dự án có thể khắc phục được những gì mà kính viễn vọng Kepler của NASA chưa thực hiện được. Cụ thể Kepler chỉ giúp phát hiện được hơn 5.000 hành tinh, song lại không có trường hợp nào phù hợp với mục tiêu ban đầu đề ra.

Earth 2.0 gồm một vệ tinh có khả năng mang theo 7 kính viễn vọng nhằm quan sát và khám phá các hành tinh, trong đó có 6 kính thiên văn cùng nhau quan sát khoảng 1,2 triệu ngôi sao trên bầu trời rộng 500 độ vuông, rộng hơn khoảng 5 lần so với tầm nhìn của Kepler. 

Đồng thời 6 kính này cũng sẽ được dùng để quan sát chòm sao Cygnus - Lyra, nơi kính viễn vọng Kepler từng thăm dò.

Ngoài ra, kính viễn vọng thứ 7 sẽ được dùng để khảo sát các hành tinh "giả mạo" (có thể hiểu là những hành tinh tự do và không xoay quanh bất kỳ ngôi sao nào), cũng như trung tâm dải Ngân hà - nơi có số lượng lớn các vì sao.

Jian Ge, nhà thiên văn học và là thành viên dự án Earth 2.0 tại Đài quan sát thiên văn Thượng Hải thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết: "Nếu dự án thành công, chiếc kính thứ 7 sẽ là kính viễn vọng khuếch đại hấp dẫn đầu tiên hoạt động trong không gian".

Về tiến độ của dự án, tạp chí Nature cho biết Trung Quốc đang hoàn thiện bản thiết kế ban đầu cho vệ tinh của dự án này với nguồn kinh phí từ Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Dự kiến các thiết kế cuối cùng sẽ được hoàn thiện và được đánh giá bởi một nhóm chuyên gia vào tháng 6. Nếu không có gì thay đổi, dự án sẽ được triển khai và tiến hành phóng tên lửa Trường Chinh vào cuối năm 2026.

Sự sống ở “Trái đất' thứ hai ra sao?Sự sống ở “Trái đất" thứ hai ra sao?

TT - Các nhà thiên văn học chuyên săn lùng những hành tinh ngoài hệ mặt trời vừa phát hiện một hành tinh có nhiều đặc điểm rất giống hành tinh xanh của chúng ta.

Nguồn bài viết