Người dân xét nghiệm COVID-19 ở Bắc Kinh ngày 11-5 - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi hy vọng những cá nhân liên quan có thể có cái nhìn khách quan và hợp lý về các chính sách phòng chống dịch của Trung Quốc... và kiềm chế đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm", Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tại cuộc họp báo ngày 11-5.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định chiến lược Zero COVID của nước này "khoa học và hiệu quả".
Tuyên bố trên đáp lại nhận định vào ngày 10-5 của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus rằng cách chống dịch của Trung Quốc không bền vững và cần thay đổi.
“Chúng tôi không nghĩ rằng cách đó bền vững khi xét đến cách hoạt động của virus và những gì chúng ta dự đoán trong tương lai", ông Tedros nói.
Tiếp lời sau đó, chuyên gia Mike Ryan của WHO nói: “Chúng ta cần cân bằng các biện pháp kiểm soát dịch với tác động của chúng đối với xã hội, nền kinh tế, và việc điều chỉnh đó không phải lúc nào cũng dễ dàng”.
Chính quyền Trung Quốc đến nay vẫn kiên quyết áp dụng chính sách Zero COVID để đối phó với dịch bệnh đang lây lan nhanh tại nhiều thành phố của nước này. Khoảng 25 triệu dân ở Thượng Hải đến nay vẫn chịu cảnh phong tỏa trong khi thủ đô ngày càng siết chặt kiểm soát dịch.
Ngày 10-5, một nghiên cứu được bình duyệt đăng trên tạp chí Nature của các nhà nghiên cứu Đại học Fudan ở Thượng Hải cho rằng việc gỡ bỏ chính sách Zero COVID sẽ tạo ra "cơn sóng thần" ở Trung Quốc, có thể giết chết khoảng 1,6 triệu người.
Cụ thể, nếu rào chắn Zero COVID được gỡ bỏ, Trung Quốc có thể ghi nhận hơn 112 triệu ca bệnh có triệu chứng, 5 triệu ca nhập viện và 1,55 triệu ca tử vong.
Theo nghiên cứu, tỉ lệ tiêm ngừa thấp, đặc biệt ở những người già tại Trung Quốc, chính là nguy cơ rất lớn.
"Chúng tôi nhận thấy mức độ miễn dịch tạo ra bởi chiến dịch tiêm ngừa vào tháng 3-2022 không đủ để ngăn chặn một làn sóng do biến thể Omicron có thể làm quá tải năng lực chăm sóc, và nhu cầu cấp cứu có thể gấp 15,6 lần năng lực hiện tại", các nhà khoa học cho biết.