Trung Quốc hé lộ kế hoạch đưa công dân lên Mặt Trăng trước năm 2030

1 năm trước 100
Chú thích ảnhTên lửa đẩy Trường Chinh-2F mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-16 rời bệ phóng, tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc ngày 30/5/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng thông tấn Tân Hoa, tại hội nghị thượng đỉnh hàng không vũ trụ tổ chức ở thành phố Vũ Hán vào ngày 13/7, ông Zhang Hailian, Phó Kỹ sư trưởng của Cơ quan Vũ trụ có Người lái Trung Quốc (CMSA), tiết lộ nhiệm vụ khám phá Mặt Trăng dự kiến diễn ra trước năm 2030. Đây là một phần của dự án thành lập một trạm nghiên cứu Mặt Trăng. Ông Zhang cho biết họ sẽ tìm hiểu một cách chi tiết nhất cách để xây dựng cơ sở và thực hiện các nhiệm vụ thám hiểm cũng như các thí nghiệm khác.

Dự kiến một tàu đổ bộ lên bề mặt Mặt Trăng và tàu vũ trụ có người lái sẽ được phóng lên riêng rẽ rồi sau đó kết nối với nhau. Sau khi kết nối thành công, các phi hành gia Trung Quốc trên tàu vũ trụ sẽ vào tàu đổ bộ, được sử dụng để đáp xuống bề mặt Mặt Trăng.

Tại đây, phi hành đoàn sẽ thu thập các mẫu và thực hiện “thám hiểm khoa học”, trước khi lên tàu đổ bộ và trở về tàu vũ trụ đang chờ trên quỹ đạo.

Theo Thời báo Hoàn cầu, để chuẩn bị cho sứ mệnh, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang bận rộn phát triển tất cả các thiết bị cần thiết bao gồm quần áo Mặt Trăng, tàu thám hiểm có người lái, tàu vũ trụ có người lái và tàu đổ bộ.

Phương tiện truyền thông nhà nước không nêu rõ Trung Quốc dự định đưa bao nhiêu phi hành gia lên Mặt Trăng.

Phóng tàu vũ trụ có người lái lên Mặt Trăng là bước phát triển mới nhất trong nỗ lực thúc đẩy chương trình không gian của Trung Quốc, vốn đã chứng kiến một số khoảnh khắc đột phá trong những năm gần đây.

Trung Quốc đã chậm chân trong cuộc chạy đua vào không gian. Mãi đến năm 1970 họ mới đưa được vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo, khi đó Mỹ đã đưa một phi hành gia lên Mặt Trăng. Tuy nhiên, sau đó Bắc Kinh đã bắt kịp rất nhanh.

Năm 2013, Trung Quốc đã hạ cánh thành công một chiếc xe tự hành trên Mặt Trăng, trở thành quốc gia thứ ba duy nhất làm được điều này. Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết “giấc mơ không gian là một phần của giấc mơ làm cho Trung Quốc mạnh hơn”.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD cho chương trình không gian đầy tham vọng của mình. Mặc dù không có số liệu công khai chính thức về khoản đầu tư của Bắc Kinh vào thám hiểm không gian, nhưng công ty tư vấn Euroconsult ước tính khoản đầu tư này vào khoảng 5,8 tỷ USD vào năm 2019.

Năm đó, một xe thám hiểm của Trung Quốc đã đáp xuống phía xa của Mặt Trăng, ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử. Đến năm 2020, Bắc Kinh trở thành quốc gia thứ ba thu thập thành công các mẫu đá từ Mặt Trăng.

Trung Quốc cũng đã dành vài năm để xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung của riêng mình, được hoàn thành vào tháng 11. Trạm này chỉ là tiền đồn quỹ đạo hoạt động thứ hai, bên cạnh Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Nhưng ISS dự kiến kết thúc hoạt động vào năm 2030. Điều này có thể khiến Thiên Cung trở thành trạm vũ trụ duy nhất còn lại. Trung Quốc cũng tìm cách mở rộng trạm vũ trụ của mình để hợp tác với các đối tác quốc tế, bao gồm cả việc tổ chức các thí nghiệm từ các quốc gia khác.

Nguồn bài viết