Triều Tiên thông báo với Nhật Bản về kế hoạch phóng vệ tinh

1 năm trước 72
Chú thích ảnhHình ảnh do Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) đăng phát ngày 19/12/2022 về vụ phóng thử tên lửa mang vệ tinh thực nghiệm tại bãi phóng vệ tinh Sohae ở Tongchang-ri. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, trong thông báo được gửi tới sáng 22/8, phía Triều Tiên đề cập 3 khu vực trên biển mà vụ phóng này có thể ảnh hưởng. Hai trong số 3 khu vực này nằm ở phía Tây bán đảo Triều Tiên, trong khi khu vực thứ 3 nằm ở phía Đông đảo Luzon của Philippines. Cả ba khu vực đều nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Tokyo cho rằng kế hoạch này là lần thử nghiệm lại vụ phóng vệ tinh quân sự mà Triều Tiên đã thất bại hồi tháng 5 vừa qua. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ đạo các cơ quan chính phủ liên quan phân tích kỹ động thái này, đồng thời phối hợp với Mỹ và Hàn Quốc hối thúc Bình Nhưỡng không thực hiện vụ phóng.

Thông báo của Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc hồi tuần trước đã nhất trí tăng cường hợp tác nhằm ngăn chặn chương trình phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Trước đó, Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ quốc gia (NADA) của Triều Tiên xác nhận ngày 31/5 đã phóng vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1, gắn trên tên lửa đẩy kiểu mới Chollima-1 từ bãi phóng vệ tinh Sohae ở quận Cholsan của tỉnh Bắc Phyongan. Tuy nhiên, vụ phóng thất bại do trục trặc động cơ và vấn đề ổn định nhiên liệu. NADA cũng khẳng định sẽ điều tra kỹ lưỡng những hạn chế lớn bộc lộ trong vụ phóng lần này, thực hiện các biện pháp khoa học và công nghệ khẩn cấp nhằm khắc phục và tiến hành vụ phóng thứ hai sớm nhất có thể.

Phía Triều Tiên nêu rõ nhà lãnh đạo Kim Jong Un coi việc phát triển vệ tinh trinh sát quân sự là ưu tiên hàng đầu, như một đối trọng cần thiết trước sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực.

Cũng trong ngày 22/8, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đã chỉ trích "tính hiếu chiến" trong cuộc tập trận quân sự quy mô lớn mang tên Lá chắn Tự do Ulchi (UFS) mà Mỹ và Hàn Quốc khởi động ngày 21/8, với nhiều khí tài chiến lược và sự tham gia của một số quốc gia khác như Australia, Canada, Anh, Hy Lạp, Italy, New Zealand và Philippines.

Bài viết của KCNA cảnh báo khả năng "chiến tranh nhiệt hạch trên bán đảo Triều Tiên đang dần trở nên hiện thực hơn". KCNA cáo buộc Seoul, Washington và Tokyo đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Trại David vào tuần trước để thông qua một loạt tài liệu nhằm "nêu chi tiết, lên kế hoạch và xây dựng" các hành động khiêu khích chiến tranh hạt nhân.

KCNA nêu rõ: “Một cuộc chiến tranh nhiệt hạch quy mô lớn chưa từng có đang cận kề Bán đảo Triều Tiên mọi lúc mọi nơi... Nếu các thỏa thuận tại Trại David được đưa vào trong cuộc tập trận... khả năng bùng nổ một cuộc chiến tranh nhiệt hạch trên Bán đảo Triều Tiên sẽ trở nên thực tế hơn".

Nguồn bài viết