Anh Vũ Đình Gió làm đất trang trại trồng dâu tây bán tự động - Ảnh: HÀ QUÂN
Trong Ngày Quốc tế xóa nghèo vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cả nước còn gần 2,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều, chiếm hơn 9% số hộ trong cả nước.
Để tiếp tục xóa nghèo, Thủ tướng có quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Dự kiến, khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và kỳ vọng ít nhất 80% hộ gia đình sẽ thoát nghèo. Số vốn huy động cho chương trình này khoảng 570 tỉ đồng. Mục tiêu, giải pháp đã có nhưng thực hiện không dễ dàng.
Vượt tâm lý sợ vất vả, đi làm xa nhà
Là hộ nghèo ở xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), Hoàng Văn Lập (27 tuổi), dân tộc Thái, nhận thức phải làm kinh tế thì mới có thể thoát nghèo. Học xong đại học, Lập theo bạn đi vẽ tranh tường, trang trí quán cà phê ở TP Thanh Hóa. Nhưng thu nhập từ công việc cũng bấp bênh, tháng nhiều nhất được 7-9 triệu đồng, đủ trả tiền vay đi học, chi tiêu và gửi một ít về quê.
Nghe người quen giới thiệu về chương trình đưa thực tập sinh đi Nhật Bản (IM Japan) ưu tiên lao động nghèo, Lập đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa nghe tư vấn. Nghĩ đến cơ hội "đổi đời", Lập bàn với cha mẹ vay ngân hàng 50 triệu sinh hoạt phí trước khi sang Nhật Bản.
Sang tỉnh Ehime, Nhật Bản, Lập được công ty xây dựng giao làm việc chống thấm nước. Thu nhập từ 32-35 triệu đồng/tháng, chưa tính tăng ca nên mỗi tháng anh gửi về nhà được khoảng 20 triệu đồng. Đầu năm 2022, Hoàng Văn Lập về nước sau 3 năm ở xứ người, ngoài trả hết nợ, anh dư 700 triệu đồng.
"Một phần mình xây nhà cho bố mẹ, phần khác tiết kiệm. Mình đã có chứng chỉ tay nghề nên sẽ quay lại Nhật làm vài năm nữa cho chắc kiến thức. Khi về nhà, mình sẽ mở xưởng trang trí nội thất, rủ cả anh em trong làng làm cùng", Hoàng Văn Lập tâm sự.
Còn anh Vũ Đình Gió (34 tuổi), xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai), cho hay năm 2014, anh đăng ký chương trình đưa lao động làm việc tại Hàn Quốc (EPS). Qua nước bạn, anh được giao trồng rau xanh và cây ăn quả tại vườn công nghệ cao. Ban đầu lương chỉ 20 triệu đồng/tháng, sau tăng lên 30-40 triệu/tháng.
Cuối năm 2019, anh về nước và bắt tay vào vụ dâu tây đầu tiên. Dù làm đúng kỹ thuật, cây dâu của anh cứ còi cọc, chết dần, thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Không nản chí, anh Gió ăn ngủ tại vườn, tìm tòi các loại phân bón bản địa để nuôi cây. Thành công đến, trừ chi phí, vụ vừa rồi anh thu về khoảng 150 triệu đồng,
"Vụ đầu thất bại, mình nghĩ ngay đến vụ mới. Tìm bằng được nguyên nhân cây chết do thiếu vi lượng gì, côn trùng cắn hay sương gió để xử lý. Sắp tới, mình mở rộng sản xuất để tạo việc làm cho người dân trong bản", anh Gió chia sẻ.
Dù thoát nghèo thành công, Hoàng Văn Lập vẫn là người duy nhất trong làng đi nước ngoài làm việc. Do thanh niên trong làng Lập không hứng thú khi phải mất thời gian học tiếng, học nghề trước khi sang Nhật Bản làm việc. Có người sợ vất vả, xa nhà nên chỉ muốn làm tự do. Còn anh Gió thì vẫn khó khăn trong vận động người làng làm giàu bằng nông nghiệp ngay tại quê hương, vì người trẻ thích làm tự do như thuê mướn, bốc vác, chăn nuôi...
Lao động nghe tư vấn đi làm việc ở nước ngoài tại Hà Nội - Ảnh: GIA ĐOÀN
Cần tuyên truyền chính sách đến "gần" dân hơn
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Gia Liêm, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết số người lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài còn khiêm tốn dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ đào tạo, học ngoại ngữ, học nghề, sinh hoạt phí, thủ tục và hỗ trợ việc làm khi về nước. Nếu khó khăn, thanh niên huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn còn được vay toàn bộ chi phí đi làm việc ở nước ngoài.
"Như vậy, chính sách còn chưa đến được với người dân. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền tới cán bộ cơ sở để họ tư vấn, hướng dẫn chính sách tới người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Tuyên truyền thôi chưa đủ, cán bộ, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tư vấn, hướng dẫn cụ thể về điều kiện, ưu điểm của chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đồng thời có cơ chế khuyến khích cán bộ kịp thời", ông Liêm nhận định.
Theo ông Liêm, bản thân bạn trẻ cần có nghị lực, ý chí tự vươn lên, thay đổi suy nghĩ "việc nhẹ lương cao", nghĩ tới thành quả khi vượt qua khó khăn, chủ động tìm hiểu các chương trình, chính sách của Nhà nước để tìm công việc phù hợp.