Tranh thủ 'vợt' cổ phiếu rớt giá

2 năm trước 251
Tranh thủ vợt cổ phiếu rớt giá - Ảnh 1.

Sau thông tin Việt Nam ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên vừa được công bố vào hôm nay 28-12, thị trường chứng khoán đã rung lắc và giảm điểm, nhưng nhanh chóng hồi phục tăng. Trong ảnh: nhà đầu tư theo dõi thị trường - Ảnh: BÔNG MAI

Ở phiên 28-12, ngay khi có thông tin Việt Nam công bố ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, thị trường giảm nhẹ xuống sắc đỏ. Tuy nhiên, cầu lớn hơn cung đã giúp các chỉ số chứng khoán không chỉ đảo chiều hồi phục mà còn tăng đáng kể, duy trì sắc xanh đến cuối phiên.

"Thị trường mượn cớ biến chủng mới để đạp, mình tranh thủ nhặt hàng ngon với giá sale", chị Hải Yến (nhà đầu tư) nói và cho biết đã nhanh tay đặt mua khi cổ phiếu V. đang "rớt xuống màu đỏ" trong vòng khoảng 30 phút, sau đó đã "tăng lên màu xanh".

Theo ghi nhận, nhiều nhà đầu tư khác cũng chung tâm lý "chờ thời" để "vợt" cổ phiếu rớt giá.

Về diễn biến thị trường, áp lực bán đè lên cổ phiếu như GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), Novaland (NVL), HAG (Hoàng Anh Gia Lai), LGC (Đầu tư Cầu đường CII), Chứng khoán VNDirect (VND), HNG (Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai)...

Ở bộ ba cổ phiếu "họ Vin", trong khi VHM (Vinhomes) đứng giá, cả VIC (Vingroup) và VRE (Vincom Retail) bị rớt giá.

Ở chiều đối lập, nhiều cổ phiếu khác vẫn được dòng tiền đổ vào mua, góp phần nâng đỡ thị trường, như GAS (PetroVietnam Gas), Masan (MSN), DIG (Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng)...

Hàng loạt cổ phiếu ngành ngân hàng cũng "dậy sóng" tăng mạnh như STB (Sacombank), HDB (HDBank), EIB (Eximbank), CTG (VietinBank), TPB (TPBank), ACB (ACB), TCB (Techcombank)...

Dựa vào lĩnh vực kinh doanh, thấy có sự phân hóa rõ rệt ở các nhóm ngành. Trong khi chỉ số ngành tài chính, công nghiệp, hàng tiêu dùng, hàng tiêu dùng thiết yếu, nguyên vật liệu và chăm sóc sức khỏe đều ghi nhận tăng, thì điều ngược lại diễn ra ở ngành năng lượng, bất động sản và công nghệ thông tin.

Dù trải qua giằng co, VNI-Index vẫn tăng 5,51 điểm (+0,37%) và chốt phiên ở mốc 1.495,39 điểm. Thanh khoản sàn HoSE đạt hơn 29.029 tỉ đồng.

Rổ VN30 có mức tăng cao hơn với 8,99 điểm (+0,59%) lên 1.523,54 điểm. Rổ này có 2 mã đứng giá, 14 mã giảm giá và 14 mã còn lại tăng giá - trong đó STB (Sacombank) là mã duy nhất tăng trần.

Sàn HNX và rổ HNX30 cũng có diễn biến khá tích cực, tăng lần lượt 8,64 điểm (+1,92%) lên 458,05 điểm và 19,13 điểm (+2,51%) lên 782,15 điểm. Riêng sàn HNX có thanh khoản gần 4.093 tỉ đồng.

Sắc xanh cũng ở lại sàn UPCoM, khi tăng nhẹ 0,07 điểm (+0,06%) lên 110,44 điểm.

Tổng giá trị giao dịch trong ngày của ba sàn chính gồm HoSE, HNX và UPCoM đạt hơn 35.644 tỉ đồng (xấp xỉ 1,6 tỉ USD).

Một điểm sáng là khối ngoại duy trì mua ròng hai phiên liên tiếp với tổng giá trị xấp xỉ 340 tỉ đồng. Dù vậy, tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư ngoại đã rút ròng gần 65.000 tỉ đồng khỏi thị trường chứng khoán Việt.

Hiện nay nhà đầu tư trong nước đang chiếm hơn 90% tỉ trọng giao dịch hằng ngày, đây cũng là nhóm ảnh hưởng lớn đến diễn biến của thị trường chứng khoán.

Tỉ phú Elon Musk bán 1,1 tỉ USD cổ phiếu để nộp thuếTỉ phú Elon Musk bán 1,1 tỉ USD cổ phiếu để nộp thuế

TTO - Theo hồ sơ tài chính được công bố ngày 10-11, ông Elon Musk, giám đốc điều hành (CEO) Hãng xe điện Tesla, đã bán một phần cổ phiếu công ty này theo kế hoạch ông đã đề ra ngày 14-9 năm nay.

Nguồn bài viết