Trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em

1 năm trước 79
Chú thích ảnhDạy bơi cho thanh, thiếu niên tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thành phố Nam Định. 

Nguy cơ tiềm ẩn

Nam Định có khoảng 530 km sông ngòi; trong đó có 4 sông lớn chảy qua địa bàn là sông Ninh Cơ, sông Đào, sông Đáy và sông Hồng. Địa phương có 72 km bờ biển ở 3 huyện gồm Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu cùng hệ thống sông ngòi dày đặc ở khắp 10/10 huyện, thành phố, nhiều sông lớn, dòng chảy mạnh, bờ biển với các bãi triều bùn lỏng... Đây là những nơi nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là trẻ em nếu không được cảnh báo.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, trung bình hàng năm, trên địa bàn xảy ra khoảng 800 vụ tai nạn thương tích ở trẻ. Số trẻ tử vong do đuối nước từ năm 2016 - 2022 là 227 trẻ. Từ đầu năm 2023 đến nay, địa phương có 11 trẻ tử vong do đuối nước.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, cơ quan chức năng của tỉnh cho rằng, một số trẻ chưa được gia đình, nhà trường, cộng đồng hướng dẫn kiến thức, kỹ năng bơi an toàn cũng như kỹ năng xử lý tình huống. Một số gia đình, cha mẹ, người trông coi chưa có ý thức đầy đủ về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, nhất là thiếu sự quan tâm, giám sát con em dẫn đến những tai nạn đáng tiếc vẫn xảy ra hàng năm.

Bên cạnh đó, việc thiếu cơ sở vật chất, thiết bị, bể bơi, các điểm vui chơi, giải trí cũng khiến các em tìm đến những nơi không an toàn. Nhân lực làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được bố trí từ cấp tỉnh đến cơ sở, tuy nhiên đội ngũ cán bộ cấp xã phải kiêm nhiệm nhiều việc lại thường xuyên thay đổi là trở ngại lớn trong việc tổ chức thực hiện công tác trẻ em nói chung, công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em nói riêng ở xã, phường, thị trấn.

Xây dựng môi trường sống an toàn

Cứ vào dịp hè khi học sinh nghỉ học, Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh phối hợp với thầy cô bộ môn thể dục tại các cơ sở giáo dục mở nhiều lớp dạy bơi cho trẻ em. Năm nay, Đoàn thanh niên các cấp đã phối hợp với các đơn vị như nhà trường, chủ bể bơi, các Trung tâm thanh, thiếu nhi mở lớp dạy bơi miễn phí hoặc giảm một phần học phí để khuyến khích thanh thiếu nhi tham gia. Cụ thể, đã tổ chức được 73 lớp dạy bơi với hơn 3.000 em tham gia.

Mỗi ngày hai buổi, sáng từ 6 - 8 giờ, chiều từ 16 - 18 giờ, lớp dạy bơi của cô Vũ Thị Lụa (xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng) luôn có từ 12 - 15 em, độ tuổi từ 8 - 15 tuổi đến học bơi. Tại đây, các em được trang bị những kỹ năng phòng, chống đuối nước như: nổi trên mặt nước, kỹ thuật bơi cơ bản (bơi ếch, bơi bướm, bơi sải) và cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước.

Cô Vũ Thị Lụa chia sẻ, ngay từ khi mở lớp vào năm 2019, các em nhỏ trong và ngoài xã rất hào hứng tham gia. Hiện, các thầy cô đã trang bị đầy đủ kiến thức phòng, chống đuối nước và các kỹ năng bơi cho hầu hết các em nhỏ trong xã Nghĩa Phú và các xã lân cận.

Em Vũ Hải Đăng (xã Nghĩa Phú) phấn khởi cho biết, chỉ trong 3 tháng, em đã cơ bản biết bơi, bơi được khoảng cách gần và học được cách xử lý tình huống bất ngờ xảy ra khi đang ở dưới nước.

Cùng với việc trang bị kỹ năng, kiến thức về phòng, chống đuối nước, tỉnh còn chú trọng xây dựng các mô hình an toàn cho trẻ như “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn”, “Ngôi nhà an toàn” nhằm phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em.

Sáu tháng đầu năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho trên 800 cán bộ các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, xã, cộng tác viên làm công tác trẻ em cấp xã, thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn các huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Ý Yên. Đồng thời, Sở đã tổ chức tập huấn về quyền trẻ em và kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích cho 720 trẻ trên địa bàn huyện Vụ Bản và thành phố Nam Định.

Chú thích ảnhĐoàn thanh niên huyện Hải Hậu kiểm tra các khu vực gắn biển sông ngòi nguy hiểm. 

Ông Lưu Văn Tuyển, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định cho biết, việc xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em trên địa bàn tỉnh được chú trọng, quan tâm ở tất cả các cấp. Công tác phòng ngừa, can thiệp, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp huyện, xã làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; quản lý và sử dụng phần mềm quản lý trẻ em; tổ chức nhiều lớp nâng cao kiến thức bảo vệ trẻ cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện tốt các chính sách, đề án, chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em; tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho các em, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho trẻ...

Nguồn bài viết