TP Pleiku: Hơn 8,7 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững

2 tháng trước 44
Chú thích ảnhChị Trần Thị Phượng (thôn 4, xã Trà Đa, Tp.Pleiku, Gia Lai) được chính quyền quan tâm hỗ trợ xây nhà và trao sinh kế nhờ đó đã thoát nghèo.

Với mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố từ 0,24% còn 0,16% vào cuối năm 2024; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiếu số trên tổng số hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố từ 1,29% còn dưới 1,20% và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo của thành phố từ 0,61% còn 0,55% vào cuối năm 2024; trong năm 2024, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) được phân bổ hơn 8,7 tỷ đồng để thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Trong đó, ngân sách trung ương hơn 7,8 tỷ đồng, ngân sách tỉnh cấp 145 triệu đồng và ngân sách các địa phương cấp huyện 749 triệu đồng.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn thành phố Pleiku, cùng với hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội sẽ góp phần giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó, đảm bảo 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, có nhu cầu, được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.

Về Y tế, đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; người thuộc hộ làm nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình có nhu cầu được hỗ trợ 50% mức phí thẻ bảo hiểm y tế.

Về Giáo dục và đào tạo, đảm bảo 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi, được hỗ trợ chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.

Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững cũng sẽ nỗ lực hỗ trợ và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, từ nguồn vốn của chương trình, sẽ giải quyết vấn đề thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh. Đảm bảo 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đồng thời, chiều thiếu hụt về thông tin cũng được cải thiện khi phấn đấu ít nhất 70% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet và tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản sản phẩm truyền thông.

Nguồn bài viết