Xử lý nhanh yêu cầu người dân
Những ngày cuối năm, có việc đến phường Phú Hữu (thành phố Thủ Đức) để làm một số thủ tục hành chính. Cô cán bộ văn phòng cười đon đả: “Anh vào Zalo like giúp em trang của phường đi”. Khi tôi còn đang lúng túng, chưa kịp móc điện thoại ra thì cô tiếp: “Trên trang có các mục hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính và các thông tin cần phổ biến, nhưng đặc biệt là mục tương tác với người dân. Có vấn đề gì cần phản ánh, anh chỉ việc nhắn tin, chụp ảnh gởi về là chúng em sẽ nhận và xử lý ngay tức khắc”.
Nói rồi, cô nhân viên mở phần quản lý tin nhắn trên điện thoại của mình để “chứng minh” những gì cô ấy nói: những hình ảnh họp chợ trên đường, thả chó ra đường không rọ mõm… được người dân gởi phản ánh và “những thông tin này được phường cử cán bộ xuống xử lý ngay”, cô cán bộ khẳng định.
Còn anh Nguyễn Anh Tiến, ngụ ở phường Hiệp Thành (quận 12), cho biết nhờ ứng dụng công nghệ thông tin giữa các quận mà khi làm các thủ tục hành chính anh chỉ cần vài thao tác click chuột. “Tôi bán nhà ở quận 12 để về mua nhà tại quận Thủ Đức (cũ), khi đi làm thủ tục chuyển hộ khẩu, tôi chỉ cần tải app “Thủ Đức trực tuyến” về điện thoại là tôi có thể thực hiện các thao tác hành chính trực tuyến như: đăng kí lấy số thứ tự các thủ tục hành chính, kê khai và điền các thông tin cá nhân… Sau khi hoàn tất hồ sơ, tôi gửi hồ sơ trực tiếp qua mail của quận. Chỉ trong vài giây, quận đã có tin nhắn trả lời báo nhận hồ sơ và hẹn tôi hai ngày sau lên nhận kết quả. Các thủ tục đăng kí tạm trú, nhập hộ khẩu… trước kia phải mất hàng tháng nhưng nay chỉ cần 2 tuần là đã xong mọi thủ tục. Có thể thấy, các ứng dụng công nghệ số của quận Thủ Đức đang giúp người dân giảm được 2/3 thời gian chờ đợi so với trước kia”, anh Nguyễn Anh Tiến cho biết.
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, TP Hồ Chí Minh đã và đang đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống để nâng cao hiệu quả làm việc và liên kết, giao lưu trực tuyến với người dân nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Quận Thủ Đức (cũ) là một trong những quận được chọn thí điểm triển khai đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, trong đó, công nghệ thông tin được áp dụng vào các công việc hành chính, quản lý và nhắm đến việc phục vụ người dân nhanh chóng, hiệu quả.
Theo đó, để kết nối trực tiếp với người dân, quận Thủ Đức (cũ) đã triển khai các hệ thống thông tin, ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; ứng dụng quản lý địa bàn dân cư và hồ sơ công việc tại UBND các phường trên địa bàn (G-Office) và hàng loạt hệ thống khác… Ngoài ra, để giao tiếp trực tuyến giữa chính quyền với nhân dân, UBND quận Thủ Đức (cũ) còn triển khai cổng thông tin điện tử nhằm đo lường, khảo sát sự hài lòng của nhân dân, đồng thời triển khai ứng dụng tiếp nhận, quản lý, trả lời phản ánh, góp ý của người dân thông qua các mạng như: Zalo, Facebook và Website…
“Quận đang đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ số nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động trong công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời cũng là nhiệm vụ để xây dựng một chính quyền điện tử thông minh. Sắp tới, muốn xây dựng chính quyền điện tử, UBND quận Thủ Đức đã và đang nỗ lực để trang bị ngày một đầy đủ hơn những thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ để giải quyết thủ tục cho người dân. Cụ thể, quận đang ứng dụng các phần mềm như: “Đô thị Thủ Đức”, “Thông tin quy hoạch quận Thủ Đức” và đã mang lại hiểu quả tốt và nhận được phản hồi tích cực từ người dân, doanh nghiệp”, ông Trương Trung Kiên, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức (cũ), cho biết.
Không chỉ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính của các cấp chính quyền, trong các lĩnh vực chuyên ngành, TP Hồ Chí Minh cũng đang ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số hiệu quả. Ông Nguyễn Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua, Sở đã triển khai nhiều đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải. “Thông qua hệ thống giám sát giao thông bằng camera được kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, nhân viên vận hành kịp thời ghi nhận tình hình giao thông tại các nút giao thông có camera kết nối. Do đó, các sự cố xảy ra được Trung tâm kịp thời thông tin cho cảnh sát giao thông, thanh tra và các đơn vị quản lý hạ tầng để phối hợp xử lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, ông Nguyễn Quang Lâm cho biết.
Giúp người dân tương tác trên nền tảng số
Công nghệ số không chỉ thay đổi cuộc sống của người dân mà các doanh nghiệp cũng đang thấy hài lòng với những ứng dụng số mà TP Hồ Chí Minh đang triển khai. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đánh giá, với sự quyết tâm của lãnh đạo Thành phố cũng như việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số trong cải cách hành chính đã giúp môi trường kinh doanh của thành phố có nhiều cải thiện, doanh nghiệp đỡ vất vả hơn so với trước đây.
Đặc biệt, việc TP Hồ Chí Minh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 – 4 đã giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong thủ tục hành chính, có sự cải thiện lớn về thái độ phục vụ của cán bộ với doanh nghiệp, không còn tình trạng những nhiễu, tham nhũng vặt hoặc “lót tay”… khi giải quyết các thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, theo ông Chu Tiến Dũng, việc ứng dụng công nghệ số trong cải cách hành chính, quản lý doanh nghiệp vẫn chưa khiến doanh nghiệp đạt được sự hài lòng. Bởi, hiện vẫn còn nhiều phần mềm chưa cập nhật các thủ tục hành chính từng mảng, từng ngành rõ ràng, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, bất động sản… Nguyên nhân, do chưa có sự thống nhất trong các thông tin, dữ liệu chung và còn nhiều thủ tục chồng chéo nên các cơ quan, sở, ngành khi áp dụng giải quyết thủ tục trực tuyến vẫn phải chờ xin ý kiến của các cấp dẫn đến kéo dài thời gian và gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen cho biết, việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày được coi là giải pháp chủ yếu cho bài toán phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh.
“Để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, trước mắt Thành phố cần tổ chức phổ cập kiến thức về công nghệ số cho người dân, doanh nghiệp. Mở những lớp học miễn phí để người dân được trang bị kiến thức về công nghệ số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cơ sở hạ tầng phục vụ cuộc sống hàng ngày. Lắp đặt những thiết bị chỉ dẫn về cách thức truy cập, tương tác với các ứng dụng công nghệ số ở những nơi công cộng. Chế tạo các ứng dụng dành riêng cho người khuyết tật... Nói chung, phải làm thế nào để tất cả mọi người dân, doanh nghiệp dù ở hoàn cảnh, điều kiện nào cũng đều có thể tương tác trong không gian số để thỏa mãn nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống”, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện nói.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố có dấu hiệu chậm lại; chính vì vậy, chương trình chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển của thành phố từ nay đến năm 2030.
“Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Kinh tế số dự kiến chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; tỉ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.
Dự kiến đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; kinh tế số chiếm 40% GRDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%; tỉ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%”, ông Dương Anh Đức cho biết.
Theo ông Dương Anh Đức, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, phát triển các phong trào khởi nghiệp, tận dụng trên các nền tảng công nghệ mới kỳ vọng giúp Thành phố phát triển đột phá, nhanh và bền vững như mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra.
“Một khi việc chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số diễn ra nhanh chóng, đồng bộ, Thành phố sẽ phát triển trên nền tảng số, đặc biệt là kinh tế số, kinh tế chia sẻ từ việc tích hợp và chia sẻ dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al), nền tảng kết nối dịch vụ số hóa, chuỗi khối (blockchain), internet vạn vật (IOT) và nền tảng định danh điện tử… từ đó sẽ làm thay đổi cuộc sống người dân rất nhiều”, ông Dương Anh Đức khẳng định.