Chiều 10/7, HĐND TP Hồ Chí Minh tiếp tục kỳ họp lần thứ 10 với phiên thảo luận, cho ý kiến về một số tờ trình của UBND Thành phố; trong đó xem xét, cho ý kiến về việc đổi tên một phần Xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức, địa bàn TP Thủ Đức) thành đường Võ Nguyên Giáp.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, trước khi trình HĐND thông qua việc đổi tên, UBND thành phố Thủ Đức đã tổ chức lấy ý kiến người dân, các tổ chức, đoàn thể về việc đổi tên đường. Việc đổi tên đường thực hiện trên cơ sở đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh. Mặt khác, việc đổi tên đoạn Xa lộ Hà Nội từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức thành đường Võ Nguyên Giáp nhằm ghi nhận và tri ân công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngoài ra, sau khi đổi tên đường trên sẽ hình thành một trục đường xuyên suốt gồm: Hà Nội - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ tạo nên sự gắn kết giữa lịch sử với nhân vật lịch sử. Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh trình HĐND TP Hồ Chí Minh xem xét, đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp đối với đoạn Xa lộ Hà Nội dài 7,79 km, trong đó đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Bình Thái dài 5,9 km, lộ giới 153,5m; đoạn từ ngã tư Bình Thái đến ngã tư Thủ Đức dài 1,89km, lộ giới 113,5m.
Việc đổi tên một phần tuyến đường Xa lộ Hà Nội cũng đã được UBND thành phố Thủ Đức tổ chức lấy ý kiến và đã nhận được sự thống nhất của các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn. Ngoài ra, UBND 8 phường trên đoạn đường Xa lộ Hà Nội dự kiến được đổi tên cũng đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Qua đó, có 467/510 ý kiến nhân dân đồng ý, 39 ý kiến không đồng ý, 4 phiếu không có ý kiến. Tỉ lệ người dân đồng ý đổi tên đường là 92%.
Một phần đường Xa lộ Hà Nội đang được đề xuất đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp.Hội Khoa học Lịch sử TP Hồ Chí Minh, Hội Di sản Văn hóa TP Hồ Chí Minh cũng đã tán thành đề xuất đổi tên đường thành Võ Nguyên Giáp. Theo Hội Khoa học Lịch sử TP Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều cống hiến vĩ đại cho dân tộc, trong đó có việc chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy, việc đặt tên đường Võ Nguyên Giáp sẽ thể hiện được tình cảm của Đảng bộ và người dân Thành phố đối với vị Đại tướng có công lao to lớn của dân tộc.
Trước đó, ngày 8/3, Hội đồng đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã họp và thông qua việc đổi tên đường với 12/12 (đạt 100%) thành viên đồng ý. Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cũng có công văn thống nhất đổi tên đường. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cũng thống nhất với việc đổi tên này.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, việc đổi tên đường đã được các đơn vị thống nhất, do đó cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người dân biết được ý nghĩa của việc đổi tên này; đồng thời cần rà soát, thống kê các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình trên 8 phường của thành phố Thủ Đức bị ảnh hưởng bởi việc đổi tên đường và thống kê các loại giấy tờ cần thay đổi để có phương án hỗ trợ, hạn chế thấp nhất việc gây xáo trộn cuộc sống của người dân, doanh nghiệp.