TP Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh tiến độ thi công mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1

1 tháng trước 26
Chú thích ảnhHiện nay, tuyến Xa lộ Hà Nội đoạn qua thành phố Thủ Đức đã đạt tiến độ thi công 80%.

Theo ông Hoàng Phúc Dũng, trong phạm vi Xa lộ Hà Nội đang có 4 dự án được thực hiện. Trong đó, dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba Trạm Hai cũ đến nút giao Tân Vạn) do Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài của tuyến là 15,7km. Chiều dài này, tính từ cầu Sài Gòn đi qua thành phố Thủ Đức và đến phạm vi tiếp giáp nút giao Tân Vạn, thuộc thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Quy mô thực hiện của dự án là nâng cấp, mở rộng đường chính và hai đường song hành mới hai bên. Tính đến nay, tiến độ thi công cơ bản hoàn thành. Riêng khoảng 400m thuộc địa bàn phường Tân Phú, gần khu vực Khu du lịch văn hóa Suối Tiên và khu vực gần cầu Rạch Chiếc, phường Phước Long A vướng đền bù giải phóng mặt bằng cho 29 hộ dân.

"Còn phân đoạn Quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, từ bến xe Miền Đông mới cho đến nút giao Tân Vạn với tổng chiều hơn 2 km hiện đã thi công hoàn chỉnh phần mặt đường chính hiện hữu từ năm 2018 đến nay. Khu vực đường song hành bên phải, trước bến xe Miền Đông mới đến nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, các dự án còn lại do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Cụ thể, dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng Xa lộ Hà Nội đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương để tạo quỹ đất mở rộng cho Xa lộ Hà Nội hiện đã chi trả và bàn giao được 152/298 trường hợp.

Chú thích ảnhDự án mở rộng Xa lộ Hà Nội dài 15,7 km với quy mô 12 - 16 làn xe được chia làm 3 đoạn.

“Do quá trình bồi thường kéo dài nên chi phí bồi thường là nguyên nhân chính dẫn đến chênh lệch giá bồi thường giữa khu vực Bình Dương và khu vực TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, chi phí bồi thường giải tỏa dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội qua địa bàn tỉnh Bình Dương hiện tăng lên 2.780 tỉ đồng. Số tiền này đã tăng gần gấp đôi so với quyết định năm 2016 của UBND TP Hồ Chí Minh về điều chỉnh bổ sung cho công tác đền bù giải tỏa mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương với số tiền 1.410 tỷ đồng", ông Dũng cho biết thêm. 

Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, ngoài việc giải phóng mặt bằng chậm, dự án chưa hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư, làm cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện, bao gồm bồi thường giải phóng mặt bằng, điều chỉnh phương án tài chính, đàm phán ký kết phụ lục hợp đồng và các nội dung liên quan khác.

Để tháo gỡ vướng mắc, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tổng hợp báo cáo, trình UBND Thành phố xem xét tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng (đoạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương), làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo; đồng thời đề nghị chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư, bao gồm xác định lại tổng mức đầu tư, phương án tài chính, thời gian thực hiện dự án và chuyển Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh dự án, làm cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện.

Nguồn bài viết