TP Hồ Chí Minh ‘đi từng ngõ, gõ từng nhà’ để phát hiện người nhóm nguy cơ cao

2 năm trước 237

Qua thống kê, hiện các bệnh viện TP Hồ Chí Minh đang điều trị cho 4.576 bệnh nhân, trong đó có 305 trẻ dưới 16 tuổi, 58 bệnh nhân nặng đang thở máy, 7 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Chú thích ảnhChiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ đã góp phần cải thiện tình hình chuyển nặng và tử vong do COVID-19 tại Thành phố.

Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số ca tử vong tại Thành phố chưa có biến động, mỗi ngày ghi nhận 2 ca tử vong. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, khi số ca chuyển nặng tăng, khoảng 2 - 3 tuần sau số ca tử vong sẽ tăng. Do đó, nếu không khống chế được số ca mắc mới, số ca chuyển nặng, thì số ca tử vong sẽ tăng trong thời gian tới.

GS.TS.BS Phạm Văn Bùi, Chủ tịch Hội Thận – Lọc máu TP Hồ Chí Minh cho biết, những người bị suy giảm miễn dịch, bệnh nhân mắc các bệnh nền, bệnh mãn tính như thận, đái tháo đường hay những bệnh nhân từng ghép tạng sẽ có nguy cơ cao tiến triển bệnh nặng khi mắc COVID-19. Nguyên nhân những đối tượng mắc các bệnh lý nền có sức đề kháng yếu và dễ bị suy giảm khi mắc COVID-19, khiến bệnh có khuynh hướng nặng hơn, thậm chí dẫn đến tử vong.

Thực tế, qua thống kê có 47,67% số ca bệnh tử vong do COVID-19 là người trên 65 tuổi với nhiều bệnh nền. Theo đó, dù các đối tượng này đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng vẫn không có khả năng đáp ứng miễn dịch đầy đủ như người bình thường. Điều này đặt ra bài toán bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nói trên. 

"Đứng về mặt y khoa, những đối tượng nào dễ bị tổn thương nhất thì chúng ta sẽ bảo vệ những đối tượng đó trước tiên. Hiện có hai loại miễn dịch giúp có thể phòng, ngừa dịch COVID-19, đó là miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thụ động. Với những người có nguy cơ mắc COVID-19 cao, ngoài việc tự nâng cao sức đề kháng để tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên họ cũng cần bổ sung thêm khả năng miễn dịch thụ động thông qua việc đưa kháng thể trực tiếp từ ngoài vào cơ thể", GS.TS.BS Phạm Văn Bùi chia sẻ thêm.

Trước đó, Sở Y tế đề xuất triển khai “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”, bởi đặc điểm chung của các nhóm tử vong là người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vaccine. Theo nhận định của lãnh đạo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, chiến dịch này đã góp phần cải thiện tình hình chuyển nặng và tử vong do COVID-19 tại thành phố. Cụ thể, sau hơn 2 tháng triển khai chiến dịch, đã có 647.979 người thuộc nhóm nguy cơ đã được lập danh sách và quản lý trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; trong đó, phát hiện gần 25.000 người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 (chiếm tỷ lệ 4,0%), xét nghiệm tầm soát phát hiện 5.638 người mắc COVID-19 (chiếm tỷ lệ 0,9%). Qua chiến dịch, hơn 21.000 người chưa tiêm vaccine đã được thuyết phục tiêm tại nhà hoặc tại cơ sở y tế, người mắc COVID-19 nhưng không biết đã được điều trị bằng thuốc kháng virus.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ tiếp tục mở đợt cao điểm mới về bảo vệ người có nguy cơ, thời gian thực hiện từ nay đến hết ngày 31/3/2022 với tinh thần “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để phát hiện kịp thời người thuộc nhóm nguy cơ cao và đưa vào danh sách bảo vệ. Bên cạnh đó, thành phố sẽ mở rộng đối tượng quản lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19 ở người trên 18 tuổi.

Nguồn bài viết