TP Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp xử lý triệt để rác thải 

2 năm trước 285
Chú thích ảnhTP Hồ Chí Minh tiến tới biến rác thải trở thành điện năng phục vụ sản xuất. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Còn nhiều thách thức

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện trung bình mỗi ngày thành phố tiếp nhận 9.000-11.000 tấn rác thải. Trong đó, có đến 60% lượng rác được thu gom bởi lực lượng rác dân lập, số còn lại do công ty công ích tại các quận, huyện thu gom. 

Thế nhưng, tình trạng trang thiết bị cũng như hình thức quản lý của lực lượng thu gom rác dân lập hiện nay đang trở nên lạc hậu. Một số lượng lớn phương tiện thu gom không có vách ngăn để chia các loại rác, khiến việc phân loại rác để xử lý chưa đạt hiệu quả mong muốn. Ngoài ra, hiện trên địa bàn thành phố còn 132 đơn vị thu gom rác dân lập chưa chuyển đổi lên mô hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân chính cho các vấn đề nêu trên là do chưa có quy chuẩn hoạt động cho các mô hình thu gom rác dân lập nên mỗi tổ chức, cá nhân hoạt động mỗi kiểu khác nhau, dẫn đến chất lượng công việc không đồng đều. Ngoài ra, thủ tục pháp lý về đất đai (điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất) và khó khăn trong xác định vị trí các trạm trung chuyển cũng là nguyên nhân khiến công tác thực hiện các quy hoạch về quản lý chất thải rắn sinh hoạt triển khai còn chậm.

Công tác triển khai chuyển đổi phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt cũng từ phương tiện thô sơ, tự chế, lạc hậu sang phương tiện cơ giới cỡ nhỏ, đủ điều kiện tiếp nhận rác đã phân loại cũng còn nhiều bất cập. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện Thành phố ước tính có đến 3.101 phương tiện thu gom rác cũ cần thay thế, nhưng các tổ chức, cá nhân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường. Hiện tổng nhu cầu vay vốn Quỹ Bảo vệ môi trường để chuyển đổi phương tiện cũ là khoảng 394 tỷ đồng.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn nghiên cứu và chế tạo ra mẫu xe thu gom rác cỡ nhỏ, phù hợp với điều kiện di chuyển và thu gom rác trong các hẻm sâu ở các khu dân cư của thành phố. Tuy nhiên, mẫu xe này đến nay chưa được các cơ quan chức năng cấp phép cho lưu thông, nên các đơn vị thu gom rác vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư phương tiện thu gom rác phù hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải hợp nhất đơn vị thu gom về cho lực lượng chính quy. Tuy nhiên, vấn đề này không dễ thực hiện, bởi TP Hồ Chí Minh có nhiều tuyến hẻm quanh co trong khi phần lớn xe chuyên chở rác của các đơn vị công ty công ích chính quy có kích cỡ lớn nên không thể đi thu gom rác trong hẻm mà chỉ có thể thu gom tại các tuyến đường trung tâm, đường lớn của Thành phố. Việc thu gom rác tại các khu dân cư trong hẻm, chợ, vùng sâu vùng xa… đều do các đơn vị dân lập thực hiện.

Ý thức của người dân TP Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường nói chung chưa được nâng cao, đặc biệt là việc xả rác đúng nơi quy định vẫn chưa được tuân thủ dẫn đến tình trạng rác thải tràn lan trên đường phố, vỉa hè và các công trường xây dựng. Một số hộ dân ở ven kênh rạch có thói quen xả rác trực tiếp xuống kênh rạch, gây tắc đường thoát nước và ngập úng mỗi khi mưa. Chất thải rắn cồng kềnh chưa được thu gom triệt để, còn phát sinh bừa bãi trên các tuyến đường, dưới dạ cầu…

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn còn khá thấp (khoảng 10 – 20%) và con số này chưa được duy trì ổn định. Ngay cả khi người dân đã thực hiện phân loại rác thì với phương tiện thu gom lạc hậu, các đơn vị thu gom rác dân lập khó có thể thực hiện thu gom theo loại rác đã phân loại mà chỉ có thể gom chung để vận chuyển. Chưa kể, rác đã được thu gom, phân loại nhưng lại xử lý bằng biện pháp chôn lấp (chiếm hơn 69% như hiện nay) thì việc phân loại rác của người dân cũng trở nên vô nghĩa.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Trước thực trạng trên, TP Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng lộ trình để triển khai phân loại chất thải rắn sinh tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Thành phố hiện có 4 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý sang đốt phát điện đang triển khai với năng suất xử lý từ 500 - 3.000 tấn rác mỗi ngày. Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp rà soát để thống nhất trong việc ban hành các quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tránh tình trạng chồng chéo trong ban hành giá giữa các cơ quan bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố.

Các cơ quan, đơn vị và tổ chức đoàn thể Thành phố cũng chủ động phối hợp trong việc tuyên truyền người dân trên địa bàn thành phố về giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; vận động, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Quỹ Bảo vệ môi trường Thành phố đã thẩm định hồ sơ và giải ngân hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi phương tiện thu gom rác với tổng số tiền 70 tỷ đồng. Số đề xuất hỗ trợ chuyển đổi còn lại đang đợi được bổ sung ngân sách. Thế nhưng, với số lượng phương tiện cũ cần phải chuyển đổi lên đến hơn 2.000 phương tiện thì việc hỗ trợ cần lộ trình dài hơi. 

Ở góc độ quản lý, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị các bộ, ngành trung ương sớm tháo gỡ nhiều vướng mắc đang tồn tại; sớm thẩm định, thông qua đồ án quy hoạch chuyên ngành về môi trường, trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét phê duyệt. Song song đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng quy trình chung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án xử lý rác thải.

Ở góc độ doanh nghiệp, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh (CITENCO) cho rằng, cần thiết phải đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép đầu tư dự án xử lý rác thải để những nhà đầu tư có năng lực sớm tham gia vào hoạt động xử lý rác thải. Việc cấp phép đầu tư hoặc chuyển đổi công nghệ xử lý rác không nên chỉ bó hẹp trong một số doanh nghiệp mà nên mở rộng để nhiều doanh nghiệp tham gia. 

Theo CITENCO, vấn đề là Thành phố tạo cơ chế mở, theo hướng nhà đầu tư nào đưa nhà máy vào vận hành trước sẽ được bố trí khối lượng rác tương ứng công suất vận hành để xử lý. Có như vậy mới tránh tình trạng một số nhà đầu tư giành được giấy phép đầu tư dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện nhưng chây ì, để đó không làm, còn những doanh nghiệp khác muốn làm nhưng lại không được cấp phép đầu tư. Hệ quả là thành phố sẽ bị “vỡ trận rác thải” do không còn quỹ đất để xử lý rác. 

Từ ngày 25/8/2022, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP) chính thức có hiệu lực. Trong Nghị định này, hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ đầu nguồn sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Các tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường nếu không phân loại từ đầu nguồn sẽ chịu mức phạt 20-25 triệu đồng...

Nguồn bài viết