Với kế hoạch này, trong tháng 7 Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) triển khai thí điểm hệ thống VHD (VietNam Health Declaration) trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà các ca nghi nhiễm COVID-19.
TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu cộng đồng để truy vết F0.Ngoài ra, Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh cũng sẽ phối hợp với các phương tiện truyền thông (báo in, báo điện tử, đài phát thanh, đài truyền hình, mạng lưới thông tin cơ sở) và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội để lan tỏa thông tin về kế hoạch này, đồng thời hướng dẫn các đối tượng F1 cách cài đặt, sử dụng ứng dụng hệ thống VHD.
Song song với các phương thức truyền thông truyền thống, Sở cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang cộng đồng Facebook của Cổng thông tin 1022, Trung tâm báo chí Thành phố, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông và Trang thông tin đối ngoại, tài khoản Offiicial Account Zalo của Sở, Cổng thông tin 1022.
Ngoài ra, phối hợp với HCDC và các đơn vị liên quan xây dựng bộ hỏi, đáp về triển khai quản lý, giám sát cách ly tại nhà các ca nghi nhiễm COVID-19; thực hiện tiếp nhận, giải đáp các thắc mắc của người dân về hệ thống quản lý, giám sát cách ly tại nhà trên Tổng đài 1022 của thành phố; xây dựng các mô hình đồ họa phục vụ công tác tuyên truyền về triển khai quản lý, giám sát cách ly các ca nghi nhiễm COVID-19 tại nhà.
Trước đó, ngày 13/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có văn bản khẩn số 4534/SYT-NVY về việc triển khai các biện pháp cách ly tại nhà đối với trường hợp F0, F1 trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà trong điều kiện nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, toàn bộ thành viên trong nhà/gia đình không được phép đi ra ngoài, người F1 phải hạn chế tiếp xúc, bố trí khu vực/phòng riêng cho người F1 nếu có thể; bố trí các đồ dùng cá nhân riêng, ăn riêng, thùng đựng rác riêng, vệ sinh khử khuẩn khu vực vệ sinh chung sau mỗi lần người F1 sử dụng; tổ chức quản lý, giám sát thực hiện nghiêm việc cách ly y tế tại nhà; giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly; tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm để xử lý theo quy định.
Tại khu vực nguy cơ cao, áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn số 5152/BYT-MT ngày 27/6 của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, không yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe và có thể xem xét cho phép cách ly trường hợp F1 tại căn hộ chung cư, tập thể nếu có phòng cách ly riêng, khép kín. Tuy nhiên, trường hợp nếu có ca F0 tại nhà/gia đình thì phải đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.
Đối với việc cách ly và điều trị F0, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trường hợp không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, nếu xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng vi rút thấp (CT value > 30), không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.
Ngoài ra, triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng. Cụ thể, cho thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1, tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định. Các trường hợp F0 này phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc. Tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.