TP Hồ Chí Minh nỗ lực cấp thủ tục pháp lý cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

4 tháng trước 59
Chú thích ảnhĐoàn khảo sát làm việc tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Chiều 2/7, Ban Văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công an Thành phố, Sở Tư pháp, Hội bảo vệ quyền trẻ em Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố, Công đoàn Viên chức Thành phố tổ chức Đoàn khảo sát thực tiễn về việc cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước công dân đối với các nhóm trẻ em, thanh niên (từ 16 - 18 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương trên địa bàn quận Tân Phú và Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh).

Tại quận Tân Phú, Đoàn ghi nhận có 16 trường hợp trẻ em không có căn cước công dân, trong đó có 7 trường hợp đã có mã số định danh nhưng không có dữ liệu tạm trú trên hệ thống quận Tân Phú; 3 trường hợp sinh ở nước ngoài và 6 trường hợp chưa có mã số định danh, chưa đăng ký thường trú và chưa có dữ liệu trên hệ thống dân cư quốc gia.

Tương tự, tại quận Bình Tân có hơn 1.100 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương đã được rà soát hướng dẫn đăng ký khai sinh, mã số định danh, thường trú và căn cước công dân. Tuy nhiên, vẫn còn 12 trường hợp trẻ, trong đó có 10 trẻ ở các lớp học tình thương Thiên Ân, Tân Sơn Nhì, Vinh Sơn, Hướng Tâm và 2 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt sống trong cộng đồng chưa được cấp khai sinh, mã số định danh...

Theo lãnh đạo quận Tân Phú, nguyên nhân một số trẻ em, thanh niên trên chưa được cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước công dân là do sự di chuyển thường xuyên của các em từ nơi này đến khác, không có nơi ở ổn định. Các em có cha mẹ thuộc diện không có đầy đủ giấy tờ tùy thân; một số gia đình do nhu cầu mưu sinh, chưa thật sự quan tâm đế việc làm giấy tờ tùy thân cho các em.

Cùng quan điểm, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân chia sẻ, có trường hợp cha mẹ trẻ không đăng ký kết hôn; một số trường hợp bị bỏ rơi, đang sinh sống với người thân. Bên cạnh đó, việc thu nhận hồ sơ căn cước công dân cho nhân khẩu tạm trú còn nhiều bất cập, chưa có quy định cụ thể liên quan đến công tác lưu trữ hồ sơ đề nghị cấp căn cước công dân cho nhân khẩu tạm trú; việc quy định công dân được lựa chọn nơi đăng ký hộ tịch đã tạo áp lực không nhỏ đối với cán bộ hộ tịch ở địa phương, nhất là nơi có nhiều người từ các tỉnh, thành phố đến tạm trú...

Tham gia Đoàn khảo sát, ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu một số vấn đề còn tồn tại, chưa cụ thể ở từng địa phương; chỉ rõ một số trường hợp có thể thực hiện cấp mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước công dân đối với các nhóm trẻ em, thanh niên. Ông Hải cam kết sẵn sàng đến tận nơi, đi cùng với địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn cho các gia đình, trẻ em, thanh niên trong độ tuổi thực hiện cấp mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước công dân.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, nhiều địa phương chưa nắm rõ kịp thời và cụ thể để hướng dẫn cấp mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước công dân. Ông Cao Thanh Bình đề nghị các địa phương chủ động, linh hoạt, phối hợp và cụ thể hơn trong rà soát, giao việc cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước công dân đối với các nhóm trẻ em, thanh niên (từ 16 - 18 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương, kể cả ở các lớp công lập, ngoài công lập và trong cộng đồng xã hội để tránh thiếu sót.

Ghi nhận các ý kiến phản hồi từ các đơn vị, ông Cao Thanh Bình biểu dương các địa phương đã nỗ lực cung cấp cho các trẻ em, thanh niên trong độ tuổi có giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước công dân; đồng thời động viên 2 địa phương nỗ lực hơn nữa để sớm hoàn tất cung cấp cho các trẻ và thanh niên trong tháng 7/2024.

“Đây là công việc rất khó, đòi hỏi tinh thần, trách nhiệm của mỗi người, mỗi địa phương trong việc cung cấp đầy đủ cho các trẻ và thanh niên những thủ tục, pháp lý, giấy tờ tùy thân. Đây cũng chính là công việc có ý nghĩa rất nhân văn và vô cùng to lớn, rất cần sự chung sức, đồng lòng của mỗi người và các cấp, ngành Thành phố để giúp các em có điều kiện thật tốt trong học tập, lao động sau này”, ông Cao Thanh Bình cho biết.

Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hồ Chí Minh, việc tăng cường rà soát, cấp giấy tờ tùy thân cho nhân khẩu nói chung, cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước công dân đối với các nhóm trẻ em, thanh niên (từ 16 - 18 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương nói riêng, được đánh giá là hoạt động thiết thực, cần nghiên cứu các thủ tục pháp lý liên quan để khẩn trương thực hiện, giúp trẻ có đầy đủ giấy tờ tùy thân như mọi công dân Việt Nam khác...

Nguồn bài viết