TP Hồ Chí Minh: Nhiều nơi vẫn chưa tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch

3 năm trước 241
Chú thích ảnhMặc dù không thuộc địa bàn thí điểm (Quận 7, thành phố Thủ Đức) nhưng một quán nhậu ở địa bàn Quận 3 vẫn hoạt động công khai. Ảnh: Xuân Tình/TTXVN

Tiếp đến, UBND Thành phố ban hành Văn bản 3844/UBND-TH về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, quán bar trên địa bàn. Các chính sách này nhằm thực hiện nghiêm và có hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Theo Quyết định 3900/QĐ-UBND, các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: Massage, spa, làm đẹp, quán bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke được hoạt động tại các phường, xã, thị trấn cấp độ 1; đảm bảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Người làm việc phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19; người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

Ở phường, xã, thị trấn cấp độ 2, các loại hình này được hoạt động hạn chế. Cụ thể, người làm việc phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19; người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Đồng thời, các cơ sở dịch vụ chỉ được hoạt động tối đa 50% công suất tại cùng một thời điểm.

Ở phường, xã, thị trấn có cấp độ 3, các dịch vụ cũng sẽ được hoạt động hạn chế. Người làm việc phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19; người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Đồng thời, cơ sở dịch vụ hoạt động tối đa 25% công suất tại cùng một thời điểm, không hoạt động các dịch vụ như: Bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke. Phường, xã, thị trấn cấp độ 4 không được hoạt động.

Tuy nhiên đến ngày 18/11, UBND Thành phố ban hành Văn bản 3844/UBND-TH về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, quán bar trên địa bàn Thành phố do dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Sau động thái này của chính quyền Thành phố, hàng loạt quán massage, spa, quán bar, vũ trường, karaoke đóng cửa, mặc dù đã chuẩn bị nhân viên và hàng hóa phục vụ. Đại diện một đơn vị kinh doanh dịch vụ trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình cho biết: Mặc dù bất ngờ trước quyết định của UBND Thành phố nhưng vì mục tiêu chung là phòng, chống dịch COVID-19 cho cộng đồng nên quán tạm thời đóng cửa, vẫn duy trì số lượng nhân viên tại chỗ để chờ các quyết định tiếp theo. 

Đối với cơ sở ăn uống tại chỗ, UBND Thành phố quy định các phường xã, thị trấn cấp độ 1, 2 sẽ hoạt động có điều kiện. Phường, xã, thị trấn cấp độ 3 sẽ hoạt động hạn chế có điều kiện. Các hoạt động sẽ thực hiện theo hướng dẫn cụ thể của UBND Thành phố, Sở Công thương và Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố. Các cơ sở phải đáp ứng các quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Chú thích ảnhMặc dù không thuộc địa bàn thí điểm (Quận 7, thành phố Thủ Đức) nhưng một quán nhậu ở địa bàn Quận 3 vẫn hoạt động công khai. Ảnh: Xuân Tình/TTXVN

Ở địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp độ 1 và cấp độ 2, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động bình thường mới. Đối với địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp 3, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ ăn, uống tại chỗ không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; không được bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn. Trong khi đó, ở địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp 4, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi, không phục vụ ăn, uống tại chỗ.

Trước đó, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/11, Thành phố thí điểm cho phép mở lại quán ăn uống có sử dụng cồn tại địa bàn Quận 7 và thành phố Thủ Đức. Thế nhưng ghi nhận tại nhiều địa bàn như: Phú Nhuận (đường Phan Xích Long), Tân Bình (Ấp Bắc), Quận 3 (Kỳ Đồng, Trường Sa), Gò Vấp (Lê Văn Thọ)… là địa bàn không thuộc thí điểm vẫn có nhiều quán nhậu hoạt động công khai, bày bán bia rượu, dẫn tới cảnh nhiều bàn ăn được kê sát nhau, khách ngồi không đảm bảo khoảng cách 2m, có quán sử dụng chung 1 phòng vệ sinh trong khi khách ngồi lên tới hàng chục người trong cùng một thời điểm. 

Một chủ quán nhậu trên quận Tân Bình (đề nghị giấu tên) cho biết: Do giãn cách xã hội ngừng buôn bán hơn 6 tháng nên lần này quán quyết định mở lại, mặc dù biết chưa nằm trong diện thí điểm cho phép nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, trong đó có yêu cầu thẻ xanh khách hàng vào quán; xịt cồn khử khuẩn với khách trước khi vào và khử khuẩn phòng ốc khi khách về. 

Chú thích ảnhHoạt động xe ôm truyền thống tại ngã tư Nguyễn Văn Trỗi - Trần Huy Liệu diễn ra công khai trước khi TP Hồ Chí Minh cho phép hoạt động trở lại ở địa bàn có cấp độ dịch cấp độ 1. Ảnh: Xuân Tình/TTXVN

Trong khi đó, theo quy định mới của Thành phố, xe ôm truyền thống chỉ hoạt động trở lại khi Thành phố đạt cấp độ 1, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải. Hiện nay toàn Thành phố đang ở cấp độ 2, thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên, trước khi có Quyết định nói trên, lực lượng xe ôm truyền thống đã hoạt động bình thường tại các giao lộ giao thông lớn như Ngã tư An Sương, cầu vượt Linh Xuân, Ngã tư Hàng Xanh, các khu vực trước bến xe, bệnh viện, trung tâm mua sắm…

Tại bến xe An Sương, ông Nguyễn Bình cho biết: Mặc dù ngày 18/11, Thành phố mới cho phép xe ôm truyền thống được hoạt đông trở lại ở địa bàn có cấp độ dịch cấp độ 1, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19 nhưng trước đó nhiều người hành nghề xe ôm đã hoạt động, vì nhu cầu thu nhập. 

Đáng chú ý, trong các ngày gần đây theo khảo sát của phòng viên, nhiều xe ôm hoạt động tại khu vực giao lộ như: Ngã tư Hàng Xanh, Nguyễn Văn Trỗi - Trần Huy Liệu… vẫn chưa nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc 5K, chưa đeo khẩu trang thường xuyên, không khử khuẩn khi có khách hoặc thanh toán tiền với khách; đặc biệt nhiều khu vực có cấp độ dịch cấp 2 nhưng hoạt động xe ôm vẫn diễn ra công khai mà không có lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở…

Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ phải thích ứng linh hoạt, phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ bằng việc ban hành nhiều chính sách khôi phục hoạt động kinh doanh dịch vụ nhận được nhiều đồng tình, hưởng ứng của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các chính sách nói trên, vẫn rất cần ý thức tuân thủ nghiêm ngặt các quy định y tế của người dân khi tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội.

Nguồn bài viết