TP Hồ Chí Minh: Nhiều hoạt động chăm lo lao động trong Tháng công nhân

5 tháng trước 75
Chú thích ảnhNgười lao động tại Công ty TNHH E.Land Việt Nam. 

Nhân rộng các "Điểm dừng chân"

Những ngày này, cứ tầm giờ trưa, chị Đỗ Thu Hồng, lái xe xe ôm công nghệ (Grab bike) ghé “Điểm dừng chân” số 44, đường liên khu 16-18, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân nghỉ ngơi, chờ đến giờ để đón đứa con gái tan học gần đó. Ở đây cũng có nhiều anh, chị em lái xe ôm công nghệ chọn nơi đây làm nơi nghỉ ngơi sau những giờ chạy mệt mỏi ngoài nắng gắt.

Chú thích ảnhMô hình "Điểm dừng chân" được ra mắt tại quận Bình Tân, sau đó được nhân rộng đến các quận, huyện và thành phố Thủ Đức trong Tháng công nhân năm 2024. 

Ông Nguyễn Trọng Tính, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Công đoàn thành phố (Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đây là mô hình chăm lo ý nghĩa của Công đoàn thành phố đối với anh em chạy “xe ôm” thuộc Nghiệp đoàn xe ôm, công nghệ của quận Bình Tân. Điểm dừng chân này đón rất đông các anh, chị lái xe ôm truyền thống và công nghệ. Nơi đây được bố trí ghế ngồi, bình nước nóng lạnh, wifi, bảo dưỡng xe với mức phí ưu đãi dành cho đoàn viên nghiệp đoàn.

"Từ mô hình Điểm dừng chân, Ban Chấp hành Nghiệp đoàn xe ôm, công nghệ quận đã vận động hơn 300 hội viên tham gia, hỗ trợ hơn 30 triệu đồng để chăm lo đột xuất cho hai trường hợp nữ chạy xe Grab bị tai nạn giao thông khi đang chở khách", ông Nguyễn Trọng Tính cho biết thêm.

Chú thích ảnhNgười lao động vừa nghỉ ngơi, vừa kiểm tra xe máy để đảm bảo an toàn tại Điểm dừng chân. 

Theo Trung tâm Công tác xã hội Công đoàn, trong tháng 5, mô hình thứ hai tiếp tục được triển khai, đặt tại Garage Như Ý, số 2 đường Trần Văn Giàu, phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Sau đó, mô hình Điểm dừng chân sẽ mở rộng ra một số quận như: Quận 5, Quận 7, thành phố Thủ Đức... để chung tay chăm lo cho người lao động mưu sinh vất vả tại TP Hồ Chí Minh. 

Ông Lê Tấn Lưu, Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm công nghệ quận Bình Tân cho biết, các Điểm dừng chân không chỉ là nơi nghỉ ngơi, tránh nắng mà còn là nơi giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề, đồng thời giúp tuyên truyền các điều khoản, chính sách của hãng xe và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các bác tài xế. Mô hình này rất thiết thực, thể hiện sự quan tâm, đồng hành của tổ chức công đoàn đến nhóm lao động phi chính thức.  

Chung tay chăm lo cho nhiều đối tượng

Theo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, nét mới của tháng Tháng Công nhân năm nay không chỉ hướng tới tinh thần thi đua lao động sản xuất mà chính là dịp để Công đoàn TP Hồ Chí Minh cùng công đoàn cơ sở tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, quan tâm thiết thực đến đời sống tinh thần và vật chất giúp người lao động, từ đó giúp người lao động có thêm niềm tin, phấn đấu lao động, đóng góp hiệu quả cho doanh nghiệp và đơn vị. Theo đó, nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực được công đoàn cơ sở cùng Liên đoàn Lao động quận, huyện, thành phố Thủ Đức tổ chức trong tháng 5 đã mang lại niềm vui, sự động viên cho đông đảo công nhân, viên chức, lao động thành phố.

Chú thích ảnhLĐLĐ quận Bình Thạnh tặng sổ tiết kiệm cho các các công nhân có hoàn cảnh khó khăn, 

Ông Vũ Hữu Phú, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh cho biết, Tháng công nhân lần thứ 16 năm 2024, LĐLĐ quận thực hiện các công trình như trao tặng 33 xe đạp điện (8 triệu đồng/chiếc) cho công nhân, viên chức, lao động trong khối trường học có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 16 sổ tiết kiệm (hai triệu đồng/sổ) cho các trường hợp bị tai nạn lao động nặng (tỷ lệ thương tật 61% trở lên); trao 469 phần quà trị giá 500.000 đồng/phần cho đoàn viên khó khăn, bị bệnh nan y, lao động bị nợ lương, công nhân lao động là người dân tộc thiểu số... với tổng kinh phí gần 235 triệu đồng. Ngoài ra, nhằm phối hợp đa dạng các hoạt động chăm lo, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên Công đoàn, CNVC-LĐ tham gia mua sắm các sản phẩm hàng Việt Nam với giá ưu đãi từ chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, LĐLĐ quận hỗ trợ 1.000 Phiếu mua hàng trị giá 300.000đ/phiếu chăm lo cho đoàn viên Công đoàn, CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn tham gia Điểm phúc lợi đoàn viên.

Tương tự, tại LĐLĐ quận Gò Vấp cũng tổ chức Tháng Công nhân với nhiều hoạt động như: hỗ trợ 41 trường hợp bị tai nạn lao động (từ 700.000 đồng - 1,2 triệu đồng/người); trao một Mái ấm công đoàn trị giá 60 triệu đồng cho đoàn viên khó khăn về nhà ở; tặng 40 phần quà cho người lao động thuộc diện nghèo, cận nghèo, công nhân lao động bị giảm giờ làm hoặc bị bệnh hiểm nghèo...; còn LĐLĐ Quận 7 năm nay đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, LĐLĐ quận đã tặng 100 phần quà cho CN bị tai nạn lao động, mắc bệnh hiểm nghèo, CN đang bị giảm giờ làm, mỗi phần quà trị giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng...

Chú thích ảnhCác cấp công đoàn TP Hồ Chí Minh hỗ trợ người lao động được mua hàng hóa thiết yếu giảm giá, miễn phí...

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐTP Hồ Chí Minh cho biết,  Tháng Công nhân đã thật sự trở thành ngày hội lớn, là điểm hẹn không chỉ của đoàn viên, lao động, doanh nghiệp mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính quyền cùng chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức, người lao động thành phố. Vì thế, năm nay, các cấp công đoàn thành phố sẽ tập trung tuyên truyền, vận động kết nạp người lao động vào tổ chức công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở; tổ chức chương trình “Đối thoại tháng 5”; “Tiếp xúc chuyên đề với cử tri công nhân lao động”; chương trình “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân”; chương trình “Khỏe để lao động, sản xuất”... Ngoài ra, tổ chức Công đoàn thành phố còn tổ chức các buổi họp mặt, thăm hỏi, tặng quà 1.271 công nhân bị tai nạn lao động (thương tật từ 31% đến hơn 61%) với tổng số tiền chăm lo dự kiến khoảng 741 triệu đồng.

Nguồn bài viết