Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tập trung triển khai nhiều giải pháp, lồng ghép Chương trình giảm nghèo vào các chương trình, kế hoạch của từng ngành, lĩnh vực để huy động tối đa các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Với tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng với nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo hàng năm. Thành phố cũng hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016 - 2020, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X về “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 - 2020 trước hai năm.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, kết quả giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 bước đầu đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội Thành phố. Sản phẩm sản xuất kinh doanh, dịch vụ của người nghèo góp phần đáng kể trong kết quả phát triển kinh tế chung, nhất là góp phần hoàn thành chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới (56/56 xã hoàn thành tiêu chí về hộ nghèo).
Thu nhập người nghèo tăng ổn định. Thành phố kiểm soát được đáy nghèo bình quân 28 triệu đồng/người/năm; có 4 - 5 chỉ số thiếu hụt đã cơ bản hoàn thành…Kết quả này không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần từng chỉ số mà có tác động lớn đến kinh tế hộ, đời sống vật chất, tinh thần từng hộ nghèo, cộng đồng xã hội, góp phần đáng kể trong giữ an ninh trật tự và an toàn xã hội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức khẳng định.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trao Bằng khen cho các cá nhân, hộ gia đình nỗ lực thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chương trình trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên bày tỏ vui mừng, phấn khởi và tự hào về kết quả công tác giảm nghèo bền vững của Thành phố. Đặc biệt, giai đoạn 2015 - 2020, chuẩn nghèo Thành phố đã cao hơn chuẩn quốc gia từ 2 - 2,5 lần. Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng một mức chuẩn chung (không phân biệt thành thị với nông thôn), thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống của các bộ phận dân cư, cơ hội để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần nâng cao chất lượng sống người dân.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, kết quả trên phản ánh thực tiễn từ cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt; thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở đúng thực chất và hiệu quả.
Bên cạnh đó, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng xã hội luôn sẵn lòng và chung tay góp sức bằng những hành động thiết thực, tự nguyện hết sức phong phú, sâu rộng, sáng tạo. Bản thân người nghèo luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên vượt nghèo và khi đã thoát nghèo thì giúp lại những người khó khăn hơn mình.
Hình ảnh sống động, nghĩa cử cao đẹp từ những phong trào giúp nhau vượt khó trong đời sống xã hội đã góp thêm tinh thần đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình và sự tử tế của người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này đã được thể hiện rõ nét nhất trong thời khắc cam go, khốc liệt thành phố kiên cường ứng phó với đại dịch COVID-19 thời gian qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Từ kết quả đáng trân trọng giảm nghèo bền vững, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị các cấp ngành, chính quyền thành phố tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, với những biện pháp hiệu quả và đột phá chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, Thành phố phát huy mạnh mẽ những nhân tố tích cực tạo nên kết quả thời gian qua. Đồng thời khắc phục những hạn chế bất cập, yếu kém còn tồn tại, đề ra những biện pháp hiệu quả, quyết liệt thời gian tới. Toàn hệ thống chính trị phải tiếp tục xem giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Với tinh thần giảm nghèo bền vững theo phương pháp nghèo đa chiều, do vậy, Thành phố cần nâng cao chất lượng và giảm chi phí giáo dục và y tế; chăm lo xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa trong các khu dân cư, nơi tập trung đông công nhân lao động; cải thiện vệ sinh môi trường; đẩy mạnh phòng chống tệ nạn xã hội; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo; nâng cao mức sống vật chất, tinh thần của người có công, bảo đảm các gia đình chính sách có mức sống cao hơn mức trung bình ở địa phương.
Các cấp ngành và chính quyền phải thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin liên tục để có kế hoạch thực hiện các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo và hộ cận nghèo, nhất là vay vốn ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm tiếp cận với các dịch vụ xã hội thiết yếu; đồng thời khơi dậy niềm tin, ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.
“Giảm nghèo bền vững phải xem là sự nghiệp của toàn dân, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống tương thân tương ái trong cộng đồng, huy động tối đa nguồn lực của xã hội, các thành phần kinh tế, đi đôi với ưu tiên bố trí nguồn ngân sách đáp ứng yêu cầu của chương trình giảm nghèo bền vững; tổ chức lồng ghép thật hiệu quả Chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý các cấp ngành và chính quyền thành phố, để đạt được mục tiêu trên, cần quan tâm chăm lo củng cố bộ máy, cán bộ làm công tác có liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo các cấp. Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động thi đua yêu nước, kịp thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp và cả những tấm gương giàu nghị lực vươn lên thoát nghèo, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trao Bằng khen cho các cá nhân, hộ gia đình nỗ lực thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chương trình trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được xác định là thực hiện các chính sách hỗ trợ, chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, trọng tâm là hỗ trợ vay vốn, cấp phát thẻ bảo hiểm xã hội năm 2021, miễn giảm học phí, công tác chăm lo Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021; đặc biệt, là tiếp sức, chăm lo hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm - bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống và trợ giúp xã hội. Qua đó, cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố, đảm bảo giảm nghèo bền vững; đồng thời phấn đấu đến cuối năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố.
Dịp này, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã trao cờ thi đua và bằng khen cho gần 100 tập thể, các nhân cùng các hộ gia đình nỗ lực vượt khó vươn lên; có thành tích xuất sắc trong chương trình trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.