TP Hồ Chí Minh: Dồn tổng lực, tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội để đẩy lùi dịch bệnh

3 năm trước 285

Các ổ dịch từng bước được khống chế

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP  là địa phương có số ca nhiễm đứng thứ 4 cả nước và dự báo vẫn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm rải rác, các chùm ca bệnh trong khu vực cách ly và trong cộng đồng do các biện pháp xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng của Thành phố được đẩy mạnh.

Chú thích ảnhTP Hồ Chí Minh cần dồn tổng lực, tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội để đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh: TTBC

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, ổ dịch nhóm truyền giáo Phục hưng được phát hiện từ ngày 26/5, đến nay đã có 362 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đã được công bố. Kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 của 7 trường hợp mắc đầu tiên trong ổ dịch siêu lây nhiễm này đều thuộc biến chủng virus Ấn Độ (B.1.617.2).

Từ ổ dịch này,  đã xuất hiện các chuỗi nhánh lớn, gồm: Khách sạn Sheraton (Quận 1) với 12 trường hợp; chuỗi cửa hàng cà phê Trung Nguyên (104 Phổ Quang) với 34 trường hợp; trường Mầm non song ngữ KID TOWN với 26 trường hợp; khu nhà trọ hẻm 80/59/80A Dương Quảng Hàm (Phường 5, Gò Vấp) với 22 trường hợp; Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN (văn phòng lầu 4, toà nhà Phan Khang, số 1 Hoàng Việt) có 91 trường hợp và gần nhất (ngày 6/6) là tại Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS với 37 trường hợp. Từ chuỗi lây nhiễm này, đã phát sinh ổ dịch ở toà nhà SAMCO (Quận 1) với 5 ca bệnh. Đối với những chuỗi nhánh lớn này, ngành y tế đã kịp thời truy vết, khoanh vùng, cách ly.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, dịch bùng phát mạnh trong những ngày đầu, cao điểm ghi nhận 70 ca bệnh/ngày. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, kịp thời của Thành phố, sau 6 ngày áp dụng giãn cách xã hội, số ca bệnh phát hiện hàng ngày đang có dấu hiệu giảm dần, hiện còn khoảng 20-25 ca trong cộng đồng, còn lại là các ca phát hiện trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa.

“Thành phố cần quyết liệt, phát huy tiếp trong 9 ngày tiếp theo để có cơ hội khống chế dịch hoàn toàn. Sau 15 ngày giãn cách xã hội sẽ đánh giá tổng thể để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp tình hình thực tế, tạo điều kiện cho khôi phục sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống người dân”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói.

Chú thích ảnhTP Hồ Chí Minh tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm rộng trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cũng cho biết thêm, đến thời điểm hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cơ bản đã được khoanh vùng, khống chế;  tuy nhiên, vẫn còn những ca F1 ở các nhánh, chi nhánh của ổ dịch vẫn chưa khai báo hoặc khai báo chậm, nên việc truy vết vẫn còn tiếp diễn, như ổ dịch tòa nhà SAMCO (Quận 1).

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận định, quyết định giãn cách toàn Thành phố theo Chỉ thị 15 của Chính phủ và Chỉ thị 16 đối với quận Gò Vấp và phường Thành Lộc (Quận 12) là đúng đắn, kịp thời. Việc triển khai nội dung này trong toàn hệ thống được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả, trách nhiệm cao. Công tác chỉ đạo, phối hợp sâu sát chặt chẽ thường xuyên kịp thời.

“Những việc làm trên đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan dịch bệnh. Quan trọng là đến nay con số ca bệnh đã giảm dần, mặc dù thời gian và tiến độ giảm chưa phải cao lắm. Nhưng như thế đã là một thành công. Đến giờ này, cơ bản chúng ta đã quản lý, kiểm soát được các nguồn lây lan ra cộng đồng,” Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nói.

Kiểm soát dịch thần tốc, quyết liệt và mạnh mẽ hơn

Theo ông Nguyễn Thành Phong, về tổng thể, dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang trong tầm kiểm soát và có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, do xuất hiện cả biến chủng virus Ấn Độ và biến chủng virus Anh và đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm, nên công tác kiểm soát dịch phải thần tốc, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.

“Chúng ta không vì số ca nhiễm chững lại mà làm suy giảm các biện pháp phòng chống dịch đã đề ra, nhất là áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố cần dồn tổng lực tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội để đẩy lùi dịch bệnh”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Chú thích ảnhTP Hồ Chí Minh huy động tổng lực tham gia xét nghiệm và đảm bảo không tồn mẫu xét nghiệm, nhất là F1 và F2.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các quận, huyện, đặc biệt là các quận có số ca mắc lớn như Gò Vấp, Tân Phú, Bình Thạnh... cần đánh giá hiệu quả cách ly xã hội đã triển khai trên địa bàn, đồng thời cần thiết triển khai biện pháp mạnh hơn nữa để khống chế dịch COVID-19 trong thời gian sớm nhất.

Theo đó, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các quận, huyện và sở, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 789 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp phòng chống dịch và phát triển kinh tế, cũng như trao đổi thống nhất với các tỉnh về vận tải hành khách, hàng hóa, thực hiện giãn cách xã hội nhưng không "ngăn sông cấm chợ", không ảnh hưởng đến kinh doanh, thực hiện cách ly y tế đúng đối tượng. Chỉ đạo khai báo y tế với người vận tải hàng hóa, xử phạt nghiêm với trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu ngành y tế huy động tổng lực tham gia xét nghiệm, bảo đảm không tồn mẫu xét nghiệm, nhất là các trường hợp F1, F2; phấn đấu lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả trong 8 giờ khi phát hiện khu vực có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị Sở Y tế gấp rút triển khai và xếp theo thứ tự ưu tiên để xét nghiệm cho toàn bộ công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố; hướng dẫn các quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát lại cơ sở vật chất trên địa bàn để bố trí làm nơi cách ly tập trung với kế hoạch cho từng tình huống cụ thể và không để thiếu chỗ cách ly theo diễn biến dịch bệnh.

Chú thích ảnh TP Hồ Chí Minh chuẩn bị đầy đủ phương án triển khai trước cho kế hoạch có thể có 5.000 người mắc.

Về công tác đảm bảo năng lực và chất lượng cách ly tập trung, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, Thành phố đảm bảo đủ năng lực các khu cách ly tập trung và điều trị cho 1.000 người, đồng thời chuẩn bị đầy đủ phương án triển khai cho kế hoạch có thể có 5.000 người mắc; mở rộng khu cách ly tập trung do quân đội quản lý trên địa bàn quân khu; tổ chức các khu cách ly tập trung của khách sạn.

Mở rộng khu cách ly tập trung tại mỗi quận, huyện lên 200 giường, riêng thành phố Thủ Đức lên 600 giường để tiếp nhận, cách ly tạm thời các trường hợp F1 trên địa bàn, trước khi chuyển đi khu cách ly tập trung của Thành phố. 

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Y tế đánh giá tổng thể những tồn tại hạn chế công tác phòng chống dịch tại các cơ sở y tế, nhất là tại các cơ sở y tế đã bị phong tỏa để khắc phục không để xảy ra tình trạng tương tự. 

“Cố gắng rà soát lại công tác phòng chống dịch bệnh tại các bệnh viện, khuyến khích các bệnh viện triển khai chương trình chăm sóc toàn diện cho người bệnh, hạn chế người nuôi bệnh; giám sát các nhà thuốc tư nhân, khi người dân có dấu hiệu ho, sốt, khó thở đến khám, mua thuốc thì nhà thuốc phải phối hợp với trạm y tế để tầm soát dịch bệnh”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị các cấp, ban ngành, toàn dân không được lơ là, chủ quan và phải tính đến phương án dịch bệnh lây lan rộng, đặc biệt là dịch lây lan đến bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao bởi đây là môi trường dễ lây lan nhanh.

Chú thích ảnh
Nguồn bài viết