TP Hồ Chí Minh cần thêm cơ chế để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

3 năm trước 315
Chú thích ảnh Quang cảnh buổi giám sát.

Tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm cùng nhiều đại biểu đều cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện gồm Quận 2, 9 và Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức và 19 phường (xã) thành 9 phường là đơn vị hành chính mới có quy mô dân số và diện tích lớn hơn nên công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn, nhất là khi tinh giản cán bộ công chức nhưng lượng hồ sơ cần giải quyết lại tăng.

“Đặc biệt, việc giải  quyết số cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp phường dôi dư sau sắp xếp gặp nhiều khó khăn do đa số đã được chuẩn hóa theo quy định; đồng thời tác động phần nào đến tâm lý, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc chung”, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm chia sẻ.

Trong lĩnh vực hoạt động của mình, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an thành phố nhìn nhận, việc sắp xếp đơn vị hành chính, thay đổi tên đơn vị hành chính làm thay đổi, điều chỉnh các giấy tờ, thủ tục của người dân và doanh nghiệp có liên quan. Việc sắp xếp đơn vị hành chính khiến cuộc sống của người dân sẽ bị xáo trộn do thaỵ đổi về địa điểm giao dịch, về thủ tục hành chính, cấu trúc văn hóa làng xã; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ngoài ra, do quy mô rộng hơn, nhiều thành phần dân cư hơn, nguy cơ tiềm ẩn nhiều tệ nạn xã hội. Công tác nắm bắt địa bàn, đối tượng gặp nhiều khó khăn. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội phức tạp hơn. Việc xử lý tài sản, trụ sở dư thừa sau sắp xếp khó được giải quyết hợp lý, hoặc sử dụng không hiệu quả, trong khi trụ sở mới cần được đầu tư mới yêu cầu với số lượng và kinh phí lớn hơn nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính…

Cùng tham gia sắp xếp đơn vị hành chính, các ngành như Y tế, Tài chính, Tư pháp, Quy hoạch kiến trúc, Giáo dục và Đào tạo ít bị tác động hơn; đồng thời cũng nhìn nhận việc sáp nhập góp phần làm tinh gọn bộ máy, đảm bảo quy mô quản lý phù hợp; tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách; qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Các đại biểu tin tưởng việc sắp xếp lại sẽ tạo điều kiện để cơ cấu, lựa chọn, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, người lao động đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm; lựa chọn được những người có trình độ, năng lực, tâm huyết nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, việc sắp xếp lại giúp các đơn vị hành chính có đủ điều kiện xây dựng quy hoạch quy mô, tăng cường khả năng thu hút đầu tư xã hội hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch phát triển kinh tế vùng, hình thành các mô hình kinh tế lớn, hệ thống giao thông kết nối, hệ thống giáo dục, y tế được sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng; an sinh xã hội được đảm bảo, cộng đồng trong nhân dân được gắn kết…

Từ thực tiễn kiểm tra, giám sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị hành chính mới cùng các sở, ngành thành phố trong việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính. Tuy đạt được kết quả bước đầu nhưng về lâu dài vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, người lao động dôi dư; về năng lực, khối lượng công việc trong thực hiện các thủ hành chính; về phân cấp, phân quyền giữa thành phố và các địa phương cũng như cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, không đảm bảo phù hợp đối với quy mô dân số, diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp ở TP Hồ Chí Minh.

Ông Cao Thanh Bình lưu ý các đơn vị, sở, ngành trong việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng, sắp xếp, xử lý và đầu tư tài sản công; công tác lưu trữ, xây dựng dữ liệu dùng chung; phát triển hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư…

Phát biểu tại buổi giám sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố ghi nhận các mặt đã làm được, những khó khăn, thách thức cùng những kiến nghị của các đơn vị, sở, ngành thành phố. Đồng thời cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính mới và từng bước đi vào hoạt động nhịp nhàng cho thấy hiệu quả, hiệu lực cũng như những cố gắng nỗ lực từ địa phương, các đơn vị, sở, ngành.

Trong đó, tại Quận 5, sau khi sáp nhập hai phường (Phường 12 vào Phường 15), đến nay, hơn 85% hộ kinh doanh đã được chuyển đổi giấy phép kinh doanh; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được hỗ trợ nhanh khi người dân có nhu cầu hoặc thực hiện các giao dịch khác. Thành phố Thủ Đức từng bước kiện toàn, sắp xếp bộ máy khung ở cơ sở để đảm bảo phục vụ cho thành phố có quy mô dân số 1,2 triệu dân…

Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả, đạt mục tiêu theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, bà Văn Thị Bạch Tuyết cũng lưu ý các đơn vị hành chính mới cần khái quát cụ thể tình hình, kết quả thực hiện chủ trương sắp xếp lại. Các đơn vị hành chính mới cần tổng hợp rõ ràng, nêu lên những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm trong từng lĩnh vực; đồng thời đề xuất giải pháp với thành phố, các bộ ngành Trung ương; kiến nghị với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để việc triển khai thực hiện đạt được kết quả cao, tương xứng với đơn vị hành chính ở một Thành phố trực thuộc Trung ương.

Nguồn bài viết