Trên đây là một trong những chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về quy định, cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp trên địa bàn.
Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các địa phương và tổ công tác có nhiệm vụ thông tin, phổ biến rộng rãi trong khu dân cư số điện thoại của các thành viên để tiếp nhận thông tin từ người dân; rà soát, lập danh sách các khu vực có trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật có nguy cơ lang thang xin ăn để kịp thời vận động, thuyết phục và hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm giúp ổn định đời sống. Đồng thời, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động chủ các khu nhà trọ phối hợp với địa phương trong việc thông tin về tình trạng của người ở trọ có nguy cơ lang thang xin ăn hoặc có dấu hiệu "chăn dắt" trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật lang thang xin ăn.
Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát địa bàn, trong đó xác định các khu vực trọng điểm thường xuyên xuất hiện tình trạng lang thang xin ăn; rà soát và xây dựng kế hoạch liên tịch với Trung tâm Hỗ trợ xã hội trong việc phối hợp kiểm tra, tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn; lập danh bạ và truyền thông, phổ biến rộng rãi trên địa bàn thông tin liên lạc của thành viên các tổ công tác; hướng dẫn thành viên các tổ công tác việc lập hồ sơ đề nghị đưa trẻ em, người lang thang xin ăn vào các cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định.
Với đối tượng có sức khỏe yếu, suy kiệt, nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc có hành vi nghi vấn tâm thần, tổ công tác cần lập biên bản và đưa đến các bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán, chăm sóc, điều trị kịp thời. Trường hợp đối tượng xác định mắc các bệnh truyền nhiễm, Tổ công tác trực tiếp đưa đến Khu Điều trị phong Bến Sắn (Bình Dương) hoặc Bệnh viện Nhân Ái (Bình Phước) trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh để được chẩn đoán, tiếp nhận và điều trị phù hợp. Các đối tượng không mắc các bệnh truyền nhiễm, sức khỏe ổn định và được xuất viện, Tổ công tác lập biên bản ghi nhận hành vi, thông tin cư trú do đối tượng cung cấp và thực hiện xác minh nhanh. Nếu đối tượng đăng ký cư trú hoặc có người thân thích sinh sống tại địa chỉ đã xác minh, Tổ công tác nhắc nhở và bàn giao về gia đình, đưa đối tượng vào danh sách theo dõi, quản lý tại địa phương.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, những trường hợp đã được nhắc nhở 1 lần, có đăng ký cư trú nhưng không thường xuyên sinh sống tại địa chỉ cung cấp; nhà đã bán hoặc giải tỏa và không có người thân thích sinh sống tại địa chỉ đã xác minh; không đăng ký cư trú trên địa bàn Thành phố hoặc không thể cung cấp địa chỉ đăng ký cư trú; Tổ công tác bàn giao đến Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần (đối với đối tượng có hành vi quá khích, nghi vấn tâm thần sau khi được điều trị ổn định và xuất viện) hoặc Trung tâm Hỗ trợ xã hội.
Trường hợp là người nước ngoài sẽ thực hiện theo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và hướng dẫn của Công an Thành phố. Các đối tượng được đưa đến cơ sở trợ giúp xã hội sẽ được chăm lo, nuôi dưỡng không quá 90 ngày. Thời gian đó, các trung tâm sẽ tiếp tục xác minh thông minh cư trú hoặc khảo sát nguyện vọng ở lại cơ sở của các đối tượng.
Tình trạng ăn xin xuất hiện trên nhiều tuyến đường, tại các giao lộ, khu vui chơi, giải trí, nhất là kể từ sau Tết đến nay. Để giải quyết vấn đề này, UBND Thành phố đã chỉ đạo, ban hành quy định về quy chế phối hợp giữa các đơn vị chức năng, địa phương để tập trung các đối tượng này vào các cơ sở bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng phù hợp, đảm bảo mỹ quan đô thị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.