TP Hà Nội hoàn thành các chỉ tiêu về nông thôn mới nâng cao

3 tháng trước 56

Tiến độ

Huyện Đông Anh được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) từ năm 2016. Đến nay, huyện đã tập trung triển khai các tiêu chí NTM nâng cao cấp xã, cấp huyện theo hướng đô thị văn minh, thực chất, bền vững.

Chú thích ảnhXây dựng nông thôn mới huyện Đông Anh.

Trong 8 năm triển khai, ngoài huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện đã tập trung phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Đông Anh đã chú trọng xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; triển khai tốt Nghị quyết số 250 NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về Quyết tâm hoàn thành “5 có, 3 không”. Cụ thể: Có nhà văn hóa, sân bóng đá, công viên mini, các điểm sinh hoạt cộng đồng, điểm đỗ xe kết hợp trồng cây xanh và không vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai về trật tự xây dựng và trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải, rác thải; không có hộ nghèo.

Đến nay, 100% các thôn đều có điểm sinh hoạt văn hóa và được đầu tư trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng dân cư. Huyện đã xây dựng được gần 900 khu thể thao, lắp đặt gần 700 thiết bị, dụng cụ thể thao ngoài trời, 1 sân vận động hiện đại, 148 sân bóng đá, 235 sân cầu lông, 450 sân bóng chuyền, 13 bể bơi...

Nhờ vậy, hết năm 2023, huyện Đông Anh đã đạt và cơ bản đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao, với 20/23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5/23 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Theo kế hoạch đã đề ra trong năm 2024, 100% xã của huyện sẽ đạt chuẩn NTM nâng cao, 50% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đáng chú ý là từ năm 2019 đến nay, Đông Anh không còn hộ nghèo, hệ thống chính trị được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững.

Trong khi đó, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM được huyện Đan Phượng xác định là nhiệm vụ trọng tâm và có bước đi phù hợp với thực tế của địa phương. Cùng với sự tranh thủ hỗ trợ của Trung ương và TP Hà Nội, huyện Đan Phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, huy động đa dạng nguồn lực phục vụ mục tiêu NTM. Thống kê từ năm 2010 đến nay, tổng nguồn vốn đã huy động đạt gần 7.586 tỷ đồng. Đáng chú ý trong số này, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách, xã hội hóa đạt hơn 1.191 tỷ đồng.

Chú thích ảnhĐường xá sạch đẹp tại huyện nông thôn mới Đan Phượng. Ảnh: XC

Từ năm 2015, Đan Phượng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện đạt chuẩn NTM”. Qua rà soát, huyện cũng đạt các tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 320/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Huyện Đan Phượng tiếp tục chỉ đạo các xã tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ các tiêu chí. Đến nay, 15/15 xã trên địa bàn huyện đã về đích NTM kiểu mẫu, là một trong hai huyện của TP Hà Nội có 100% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (cùng với huyện Thanh Trì).

Huyện đã tiến hành đánh giá 9 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Đan Phượng đã đạt 9/9 tiêu chí, đủ điều kiện trình cấp có thẩm quyền công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”, theo quy định tại Quyết định số 3099/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội và Quyết định số 320/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Sớm hoàn thành các chỉ tiêu

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới (NN&PTNT) Hà Nội cho biết: Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đến thời điểm này đã đạt nhiều kết quả. Đến tháng 7/2024, trong tổng số 33 chỉ tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU, Hà Nội đã có 12 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch của cả giai đoạn 2021-2025; dự kiến đến hết năm 2024 có thêm 14 chỉ tiêu hoàn thành và cơ bản hoàn thành. Hiện tại, toàn bộ 382/382 xã của thành phố đã đạt chuẩn NTM, 188 xã đạt chuẩn NT nâng cao (vượt chỉ tiêu Chương trình số 04-CTr/TU đề ra) và 76 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Theo kế hoạch của thành phố, năm 2024 có thêm ít nhất 35 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Như vậy, đến cuối năm 2024, số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu sẽ vượt chỉ tiêu của chương trình đặt ra là 80 xã.

Hiện tại, có 4 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức đã hoàn thiện hồ sơ huyện NTM nâng cao trình Bộ NN&PTNT, phấn đấu trong tháng 8/2024 được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Ngoài ra, có 3 huyện: Thanh Oai, Thường Tín, Đan Phượng đang hoàn thiện hồ sơ huyện NTM nâng cao và trình thành phố trong tháng 8/2024.

Để được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp thành phố, Hà Nội cần thực hiện 8 chỉ tiêu. Hiện nay, các chỉ tiêu này đều được thành phố thực hiện hoàn thành và cơ bản hoàn thành. Hà Nội có 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; hơn 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được HĐND thành phố thông qua; đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn tối thiểu là 4 m2/người; có ít nhất 70% số km đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến đường; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý (Chỉ số SIPAS) đạt theo quy định…

Hiện tại, TP Hà Nội chỉ còn chỉ tiêu có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao” đang chờ được Trung ương đánh giá, công nhận. Với kết quả đạt được, Hà Nội đang nỗ lực cao độ để được Trung ương công nhận hoàn thành xây dựng NTM cấp thành phố nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), hoàn thành trước một năm so với mục tiêu đề ra.

Trong hơn 3 năm thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU (từ năm 2021 đến nay), thành phố đã huy động được 83.087 tỷ đồng để hiện thực hóa các mục tiêu. Thành phố cũng có các chương trình hỗ trợ triển khai thực hiện, như: Chương trình đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục - y tế - văn hóa, với tổng kinh phí 49.203,4 tỷ đồng; chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ 13 xã dân tộc với tổng kinh phí là 2.664,09 tỷ đồng. Ngoài ra, đối với từng sở, ngành đều có các dự án đầu tư trên địa bàn các xã. Bên cạnh đó, trong 3 năm qua, có 10 quận của thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí lên tới 917 tỷ đồng.

Dù đã đạt những kết quả khả quan, song việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Hà Nội vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế, trong đó có 20 chỉ tiêu mà thành phố cần tiếp tục phấn đấu. Chẳng hạn, đối với chỉ tiêu tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) được công nhận đạt chuẩn quốc gia còn thời hạn ở khu vực nông thôn: Mục tiêu đặt ra là 85%, đến hết năm 2023 mới đạt 81%; làng nghề, làng có nghề được công nhận: Mục tiêu là 50 làng nghề, đến hết năm 2023 mới có 24 làng nghề; hợp tác xã hoạt động hiệu quả: Mục tiêu là 80%, đến hết năm 2023 mới đạt 65%...

Nguồn bài viết