Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM (quyết định bổ nhiệm ông Tăng Chí Thượng làm giám đốc sở có hiệu lực từ ngày 1-9-2021) - cho biết tính đến ngày 26-8, toàn thành phố đã thiết lập được 401 trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà ở tất cả các quận huyện; con số này vượt chỉ tiêu đề ra ban đầu là 400 trạm sau một tuần triển khai.
Dự kiến trong thời gian tới, tùy vào tình hình dịch bệnh và số ca F0 chăm sóc theo dõi ở nhà, ngành y tế TP.HCM sẽ tiếp tục thiết lập các trạm y tế lưu động nhằm đảm bảo mỗi trạm quản lý từ 50 đến 100 F0.
Trước đó ngày 19-8, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về việc xây dựng kế hoạch triển khai các trạm y tế lưu động, với dự kiến sẽ có khoảng 400 trạm y tế lưu động được thành lập.
Ông Tăng Chí Thượng cho biết trạm y tế lưu động có 2 chức năng chính là quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn (bên cạnh trạm y tế đang có sẵn) và quản lý các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà. Mô hình này sẽ giúp chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà tốt hơn.
"Mỗi phường xã đều được yêu cầu lập một trạm y tế lưu động, mỗi trạm quản lý từ 50 đến 100 F0; trường hợp số F0 lớn hơn, có thể tăng thêm trạm. Các F0 đều có số liên lạc của bác sĩ, điều dưỡng và được hỏi thăm sức khỏe, sàng lọc yếu tố nguy cơ để đến nhà trực tiếp thăm khám" - ông Thượng khẳng định.
Các F0 khi điều trị tại nhà đều được tặng một túi thuốc chăm sóc sức khỏe gồm thuốc ho, thuốc hạ sốt, vitamin không cần kê toa, nước súc miệng, dung dịch khử khuẩn, khẩu trang, máy đo điện tử nồng độ oxy trong máu SpO2.
Ngoài ra còn có thể kèm theo thuốc kháng đông kháng viêm có kê toa theo chỉ định bác sĩ, dùng trong tình huống khó thở đột ngột khi chưa tiếp cận được bác sĩ. Bác sĩ tại các trạm này sẽ tiếp nhận khám và kê đơn thuốc cho bệnh nhân.
Tính đến sáng 26-8, số F0 đang cách ly điều trị tại nhà ở TP.HCM là 52.146 người, trong đó có 27.649 F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và 24.497 F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly theo dõi tại nhà.
Trong 1 tháng cao điểm xét nghiệm nhằm đánh giá nguy cơ, tách nguồn lây nhiễm mạnh, giải phóng "vùng xanh’ từng bước kiểm soát lây nhiễm của dịch COVID-19 trong cộng đồng, dự kiến số ca F0 tại TP.HCM tiếp tục gia tăng, ước tính trên 180.000 ca.