TP.HCM vắng hơn Tết

3 năm trước 257
TP.HCM vắng hơn Tết - Ảnh 1.

Dãy cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng (quận 3) đóng cửa trong sáng 22-6, đường phố vắng lặng như ngày Tết - Ảnh: NGỌC HIỂN

Sau khi UBND TP.HCM có chỉ thị số 10 về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, ghi nhận sáng 22-6, dọc các con đường vốn nhộn nhịp hàng quán ở các quận trung tâm TP.HCM như quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận... phần lớn đã đóng hẳn cửa tiệm. 

Các con đường san sát quán xá, dịch vụ như Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), Hai Bà Trưng (quận 3) đều đồng cảnh khi các cửa hàng ngưng kinh doanh, khung cảnh vắng như Tết.

Nhiều dịch vụ như bán xe máy, mắt kính, điện máy, nội thất, thời trang... thời gian qua vẫn mở cửa thì đến nay đã thông báo đóng cửa phòng dịch theo chỉ thị số 10 của UBND TP.HCM.

Theo chủ một cửa hàng xe máy trên đường Phan Đăng Lưu, do có các yêu cầu phòng dịch tối đa nên hàng loạt cửa hàng dọc con đường này đã tạm thời đóng cửa, ngưng hoàn toàn kinh doanh.

Còn tại con đường Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận) chuyên bán quần áo, các shop thời trang đều kéo cửa kín mít, kể cả các cửa hàng nhỏ lẻ lẫn chi nhánh của những thương hiệu lớn đều ngưng kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng.

Tương tự, các hàng quán vỉa hè trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh) cũng cho biết từ ngày 20-6, các lực lượng trật tự đô thị liên tục nhắc nhở, yêu cầu không được bán trên vỉa hè và thông báo phạt nặng nên các hàng quán cũng chấp hành.

Trong sáng 22-6, nhiều điểm thường xuyên bán hàng tự phát dọc các trục đường đã bị giăng dây, kéo dài cả trăm mét khiến những người bán hàng rong cũng không còn bán buôn tập trung như trước.

TP.HCM vắng hơn Tết - Ảnh 2.

Dãy cửa hàng thời trang đóng cửa chống dịch trên con đường thời trang Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận) vào sáng 22-6 - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Vũ Thị Thanh Hiền - chủ tịch UBND phường 4 (quận 11) - cho biết thực hiện chỉ thị 10 của UBND TP.HCM, phường đã yêu cầu hàng quán vỉa hè, hàng rong, các cơ sở không thiết yếu tạm ngưng hoạt động. 

Đồng thời, phường cũng hướng dẫn người dân tổ chức bán hàng trong nhà, bán mang đi và không bày hàng quán xuống lòng, lề đường. Mỗi ngày từ 6h30 sáng và chiều tối, phường đều tổ chức lực lượng kiểm tra.

"Trước khi ra quân xử phạt, phường đã tổ chức tuyên truyền đến các chủ hàng quán về mức xử phạt vi phạm chống dịch. Mức xử phạt khá cao, từ 15 triệu đồng trở lên nên đa số người dân đều chấp hành" - bà Hiền nói.

Theo ông Phạm Đăng Nam - chủ tịch UBND phường Võ Thị Sáu (quận 3), từ đầu mùa dịch đến nay, phường đều đặn tổ chức lực lượng kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng dịch vào buổi sáng, chiều và tối mỗi ngày.

Từ ngày 20-6, khi UBND TP.HCM có chỉ thị số 10 về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, ban chỉ đạo phòng, chống dịch phường đã kiểm tra, yêu cầu tất cả hàng quán tại các vỉa hè, hàng rong không buôn bán.

TP.HCM vắng hơn Tết - Ảnh 3.

Các cửa hàng điện máy, điện thoại cũng phải đóng cửa theo chỉ thị 10. Dọc cung đường Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng, hàng loạt cửa hàng của các chuỗi bán lẻ công nghệ đã đóng cửa - Ảnh: NGỌC HIỂN

TP.HCM vắng hơn Tết - Ảnh 4.

Một cửa hàng bán hàng xách tay thông báo tạm đóng cửa theo chỉ thị của TP - Ảnh: NGỌC HIỂN

TP.HCM vắng hơn Tết - Ảnh 5.

Dãy cửa hàng bán xe máy cũ từ trước đến nay vẫn hoạt động, song từ khi có chỉ thị 10 thì đường phố im lìm, hàng quán kéo cửa - Ảnh: NGỌC HIỂN

TP.HCM vắng hơn Tết - Ảnh 6.

Vỉa hè được giăng dây trên rất nhiều trục đường để cấm buôn bán hàng rong, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh - Ảnh: NGỌC HIỂN

469 điểm phong tỏa ở TP.HCM để phòng, chống COVID-19469 điểm phong tỏa ở TP.HCM để phòng, chống COVID-19

TTO - Tính đến 17h ngày 21-6, TP.HCM có tổng cộng 469 điểm phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC).

Nguồn bài viết