Với cách đánh giá cấp độ dịch mới của Bộ Y tế, nhiều phường, xã ở TP.HCM đã không đạt tỉ lệ tiêm đủ vắc xin theo quy định, dẫn đến tăng cấp độ dịch - Ảnh: XUÂN MAI
Tỉ lệ tính trên toàn dân, chưa cập nhật người tiêm nơi khác
Lần đầu TP.HCM triển khai đánh giá cấp độ dịch theo quyết định mới của Bộ Y tế (ngày 14-2), kết quả cho thấy có 275 phường xã đạt cấp 1 và 37 phường, xã đạt cấp 2. So với cách đánh giá cũ có 36 phường, xã tăng cấp độ dịch (từ cấp 1 lên 2).
Riêng tỉ lệ tiêm đủ mũi vắc xin cho toàn bộ dân số và người nhóm nguy cơ trên 50 tuổi có 28 phường, xã không đạt quy định, làm tăng thêm 1 mức độ lây nhiễm, từ đó tăng thêm 1 cấp độ dịch.
Ngoài việc mở rộng mẫu số tính tỉ lệ tiêm vắc xin cấp phường, xã (từ 18 tuổi trở lên thành toàn bộ dân số, riêng nhóm người nguy cơ cao là từ 50 tuổi mở rộng đến 65 tuổi) thì một số địa phương ở TP.HCM cho biết còn nhiều nguyên nhân khác khiến tỉ lệ tiêm vắc xin không đạt.
Quận Gò Vấp là địa phương có đến 10 phường chưa đạt tỉ lệ tiêm đủ mũi vắc xin theo đánh giá cấp độ dịch mới của Bộ Y tế mà Sở Y tế TP.HCM công bố. Ông Nguyễn Trí Dũng - chủ tịch UBND quận - cho biết các phường có nhầm lẫn trong tính toán nên dẫn đến tỉ lệ tiêm vắc xin chưa đạt. Quận đang rà soát, điều chỉnh để kết quả đúng thực tế.
Ông Nguyễn Anh Khang - phó chủ tịch quận Gò Vấp - cho biết thêm có khoảng 60.000 người ở quận nhưng tiêm vắc xin ở các địa phương khác. Những người này chỉ có phiếu tiêm chủng mà không có hồ sơ tiêm chủng, trong khi đó đơn vị tiêm chủng nào thực hiện tiêm thì sẽ hiển thị trên hệ thống tiêm chủng quốc gia.
Bác sĩ Lâm Phước Trí - trưởng Trạm y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú - cho biết theo báo cáo tình hình tiêm chủng của quận vào thời điểm Tết, tỉ lệ mũi 1 của quận đạt 100%, mũi 2 đạt 94% và mũi 3 đạt 76%. Với hướng dẫn mới tỉ lệ tiêm vắc xin được tính trên toàn dân, thay vì trước đây là người trên 18 tuổi đã dẫn đến tỉ lệ này sẽ giảm xuống.
Tại huyện Bình Chánh, bác sĩ Phạm Văn Tuấn - giám đốc Trung tâm Y tế huyện - cho hay tỉ lệ người dân tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2 trên địa bàn huyện rất cao. Riêng mũi 3, theo báo cáo các xã cho thấy có việc chậm trong thống kê bổ sung người dân đã tiêm mũi 3 ở những địa phương khác.
"Nhiều người dân tiêm ở điểm tiêm khác, không nằm trên địa bàn huyện nên chưa được thống kê. Qua theo dõi nhận thấy hầu hết người dân đã tiêm mũi 3. Huyện đang củng cố lại số lượng người dân này", bác sĩ Tuấn nói.
Người dân TP.HCM tiêm vắc xin phòng COVID-19 - Ảnh: XUÂN MAI
Tiếp tục vận động người dân tiêm vắc xin
Bác sĩ Lâm Phước Trí cho hay theo chỉ đạo của quận, các phường tiếp tục tăng cường, vận động người dân tiêm vắc xin, tiêm tất cả các ngày trong tuần, không phân biệt thường trú, tạm trú, người dân ở địa phương khác.
Tuy vậy, đến nay vẫn còn một số người dân tại địa phương chưa đồng ý tiêm vắc xin. "Có những người mắc bệnh nền không tiêm vắc xin vì nghĩ khi tiêm vào bệnh sẽ nặng hơn. Nhân viên y tế vẫn tiếp tục vận động họ", bác sĩ Trí giải thích.
Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 1, phó trưởng bộ môn nhi Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - dù biến chủng nào thì tiêm vắc xin COVID-19 và tuân thủ nghiêm biện pháp 5K vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất. Tiêm đủ vắc xin sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm, chuyển nặng.
"Trong tình hình hiện nay, với chủng virus nào đi chăng nữa thì vấn đề chính là thực hiện đúng 5K và phủ đủ vắc xin phòng COVID-19. Đây là chìa khóa quan trọng mà chủng nào cũng 'đương đầu' được", PGS Quang nói.
Với hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch mới, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo các phường, xã cần phải tập trung vận động người dân tiêm vắc xin đủ mũi, đặc biệt người thuộc nhóm nguy cơ.
Đồng thời tăng cường truyền thông để người dân khi phát hiện triệu chứng nghi nhiễm hoặc tự test nhanh dương tính phải khai báo ngay cho trạm y tế để chăm sóc, cấp phát thuốc điều trị COVID-19 kịp thời, hạn chế thấp nhất tỉ lệ chuyển nặng và tỉ lệ tử vong do COVID-19.