Chiến sĩ của Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 (Quân khu 7) đi chợ hộ người dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều 28-8, ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết việc cung ứng hàng hóa thời gian tới sẽ khó khăn hơn khi dự trữ lương thực của người dân giảm xuống và họ sẽ có nhu cầu mua sắm thêm.
Sở Công thương TP đã đề ra các giải pháp để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong đó, ông Phương cho biết hiện nay các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng đã đề xuất tham gia cung ứng.
Theo phó giám đốc Sở Công thương, các ứng dụng vận chuyển công nghệ của các doanh nghiệp thương mại điện tử có nền tảng cung ứng tốt. Ví dụ như Grab có app được người dân TP sử dụng quen thuộc, nếu không khai thác là một sự lãng phí.
Theo ông Phương, việc này có thể giúp giảm áp lực cho lực lượng chức năng đang thực hiện việc cung ứng hàng hóa.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - Ảnh: ĐAN THUẦN
Ngoài ra, để ứng phó các tình huống, Sở Công thương cũng tính toán lại năng lực cung ứng của các điểm bán. Hiện nay một số địa phương có sự tính toán chưa phù hợp, như một siêu thị có năng lực rất lớn nhưng chỉ cung ứng hàng hóa cho 1-2 phường nên rất lãng phí.
Bên cạnh đó, trước đây toàn bộ người dân tự đi chợ thì nay nhân viên siêu thị đang mua sắm thay cho toàn bộ người dân. Ở nhiều hệ thống, nhân viên phải giãn cách ở nhà nên chỉ có một số ít người thực hiện đi chợ hộ. Do đó, việc đơn hàng nhiều, chi tiết sẽ gây nhiều khó khăn.
"Trong trường hợp năng lực cung ứng không đáp ứng được thì bắt buộc phải tính đến phương án chỉ cung ứng combo hàng hóa với các mặt hàng thực sự thiết yếu", ông Phương nói.
Theo ông Phương, trong tình hình giãn cách xã hội tăng cường, nếu yêu cầu đáp ứng đầy đủ như ngày thường thì sẽ rất khó thực hiện.