Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng ở TP.HCM đến 30-4 ước đạt 2,92 triệu tỉ đồng - Ảnh minh hoạ: NGỌC PHƯỢNG
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, chỉ tính riêng tháng 4, dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng 0,57% so với tháng trước và cán mốc 2,61 triệu tỉ đồng.
Một diễn biến mới là huy động vốn của các ngân hàng thương mại tại TP.HCM đã tăng trở lại sau khi liên tục giảm trong những tháng đầu năm cho thấy dòng vốn nhàn rỗi đã bắt đầu quay trở lại ngân hàng sau thời gian chảy vào những kênh có tỉ suất sinh lợi cao hơn như chứng khoán, bất động sản…
Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng dân cư ước đạt 1,13 triệu tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 39%. Tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế ước đạt 1,55 triệu tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 53% và giảm 0,38% so với cuối năm ngoái…
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho thấy lãi suất gửi tiết kiệm bằng VND đến cuối tháng 4 được áp dụng phổ biến ở mức 3,2-3,5%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; mức 3,8-6,3%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, thời gian gần đây lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại hầu như không biến động do các ngân hàng không dám đẩy mạnh huy động bởi đầu ra bị giới hạn, dù nhu cầu vốn của các doanh nghiệp rất lớn.
Theo nhiều ngân hàng, do dịch COVID-19, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trong năm nay tăng mạnh. Tuy nhiên do chỉ tiêu tín dụng được giao hạn chế và kiểm soát theo quý, các ngân hàng chỉ ưu tiên vốn cho xuất khẩu, trong đó trọng điểm là các doanh nghiệp ngành sắt thép, cao su...