Tình trạng thiếu hàng cục bộ ở các siêu thị chủ yếu rơi vào nhóm hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả. Trong ảnh: người dân mua sắm tại một siêu thị ở Q.Gò Vấp ngày 7-7 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Chiều 7-7, Sở Công thương TP.HCM cùng Sở Giao thông vận tải TP và các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thông tin về kế hoạch dự trữ, phân phối hàng hóa cho người dân TP thời gian tới.
Thiếu hàng chỉ là cục bộ
Buổi họp báo diễn ra trong bối cảnh 3 chợ đầu mối lớn của TP phải điều chỉnh phương thức hoạt động, từ tập trung sang phân tán, giao hàng tận nơi, tận chợ truyền thống để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết ngay khi điều chỉnh phương thức hoạt động của các chợ đầu mối, đã xảy ra hiện tượng một vài nơi người dân đổ xô đi mua sắm, dẫn đến thiếu hụt cục bộ trong quá trình cung ứng ở điểm bán.
Sở đã làm việc với các chuỗi cung ứng tăng nguồn hàng và năng lực phục vụ cho các siêu thị, đảm bảo mua sắm tuân thủ các biện pháp giãn cách. Các siêu thị, cửa hàng cho biết sẽ kéo dài thời gian hoạt động trong những ngày tới, tăng nguồn hàng dự trữ gấp nhiều lần.
Ông Nguyễn Anh Đức - tổng giám đốc Saigon Co.op - cho biết từ chiều qua đến nay, sức mua ở các kênh siêu thị, online đều tăng đột biến, có nơi gấp 5 lần.
"Kiểm tra ở các siêu thị cho thấy những mặt hàng đang bị thiếu cục bộ trên quầy kệ chủ yếu là rau, củ quả. Tình huống này là do logistics không vận chuyển hàng kịp trước sức mua tăng nhanh, chứ không phải do thiếu hàng", ông Đức cho biết.
Việc ba chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến 3 mặt hàng chính là thịt heo, thủy hải sản và rau củ. Ông Nguyễn Anh Đức cho biết hệ thống thu mua của siêu thị đã ngay lập tức tổ chức kết nối thu mua từ các tiểu thương những chợ này nên nguồn cung được đảm bảo.
"Với lượng hàng dự trữ 12 nhóm hàng thiết yếu thuộc chương trình bình ổn tương đương nguồn hàng đủ cho nhu cầu tiêu dùng 1-3 tháng, chúng tôi khẳng định không thiếu hàng, có chăng người dân cần mua sắm trật tự, khoa học để đảm bảo điều kiện giãn cách", ông Anh Đức nói.
Siêu thị sẵn sàng mở cửa đến nửa đêm
Theo ông Lâm Quốc Thanh - tổng giám đốc Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), từ chiều 6-7 đến nay, lượng hàng Satra cung cấp cho gần 190 cửa hàng trong hệ thống đã tăng 5 lần so với ngày thường.
"Đơn hàng tăng đột biến trong khi nhân sự hạn chế nên việc tiếp hàng lên kệ không đáp ứng kịp. Trong hôm nay siêu thị đã tăng thời gian mở cửa các điểm bán, điều chỉnh giờ mở cửa sớm hơn một giờ và đóng cửa trễ. Ngoài ra, hệ thống cũng tăng dự trữ lên gấp đôi ở kho hàng", ông Thanh cho biết.
Ông Đinh Quang Khôi - đại diện hệ thống MM Mega Market - cho biết để đảm bảo giãn cách, siêu thị đã thực hiện chế độ "đóng - mở", khống chế lượng khách mua sắm theo từng thời điểm. Trong sáng 7-7, siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức) đã đóng cửa ít nhất 15 lần, điều tiết lượng khách mua sắm.
"Cách thức này rất được người dân ủng hộ vì hàng hóa trên kệ luôn dồi dào, đảm bảo mua sắm trong bất kỳ thời điểm nào", đại diện siêu thị này nói và khẳng định sẵn sàng mở cửa hoạt động 24/24 giờ nếu được sự đồng ý của cơ quan quản lý.
Theo đại diện Sở Công thương TP, hiện nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho TP từ các chợ đầu mối chiếm 60-70% thị phần, doanh nghiệp bình ổn thị trường khoảng 30-40%, còn lại là các doanh nghiệp khác. Trong điều kiện bình thường, lượng hàng về chợ đầu mối khoảng 8.000-9.000 tấn. Trong thời điểm TP áp dụng giãn cách, lượng hàng giảm còn khoảng 4.500 tấn.
Trong đó cung ứng cho siêu thị khoảng 1.600 tấn, mức này tăng lên đáng kể thời gian gần đây do người dân tập trung vào kênh phân phối hiện đại để mua sắm và kênh mua sắm online phát triển mạnh.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, hiện trên địa bàn TP có 102 siêu thị, 112 cửa hàng chuyên doanh về gia súc gia cầm, 2.469 siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, 28.700 cửa hàng bách hóa có bán lương thực thực phẩm, phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân.
127 chợ truyền thống phải tạm ngưng mở cửa, hoặc phải điều chỉnh phương thức hoạt động do liên quan đến các ca nghi nhiễm hoặc chợ không đảm bảo 5K, không kiểm soát được ra vào, không đảm bảo giãn cách.
Do đó TP khuyến khích người dân chuyển sang mua sắm online và mua sắm một cách khoa học, có kế hoạch. Theo Sở Công thương, TP hiện có 17 hệ thống siêu thị có bán hàng online, các tiểu thương chợ truyền thống cũng kết nối với khách qua điện thoại, trực tuyến...