Nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến số 12 (TP.HCM) gọi hỏi thăm tình hình sức khỏe các bệnh nhân COVID-19 là người nhập cảnh đang cách ly, điều trị tại bệnh viện - Ảnh: XUÂN MAI
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu vừa ký văn bản khẩn gửi UBND, phòng y tế, trung tâm y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP về nâng cao năng lực tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh số ca COVID-19 mới có chiều hướng tăng nhẹ sau Tết Nguyên đán và sau khi học sinh đi học trực tiếp.
Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện và TP Thủ Đức xây dựng kế hoạch đảm bảo khả năng chăm sóc F0 tại nhà của từng phường, xã, thị trấn trên địa bàn và khả năng tiếp nhận, điều trị COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị thuộc tuyến huyện.
Đồng thời UBND quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND phường, xã, thị trấn xây dựng phương án đảm bảo công tác y tế phục vụ phòng chống dịch theo từng cấp độ dịch.
Đối với các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tuyến huyện, căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, trung tâm y tế rà soát, đề xuất UBND cấp huyện sắp xếp lại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và xây dựng phương án bảo đảm công tác thu dung, điều trị F0 theo từng cấp độ dịch.
Bên cạnh đó, phải phân công trách nhiệm của từng đơn vị chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng thu dung, điều trị COVID-19 khi được kích hoạt trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
Với cơ sở chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà, UBND cấp xã sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức và quy chế phối hợp giữa trạm y tế cấp xã với các cơ sở chăm sóc, quản lý F0 tại nhà. Đồng thời theo dõi sát số ca mắc mới, số F0 cách ly tại nhà để kịp thời kích hoạt mạng lưới chăm sóc F0 tại nhà.
Căn cứ nhân sự dự kiến của các cơ sở chăm sóc, quản lý F0 tại nhà, UBND cấp xã xác định số lượng hộ gia đình có khả năng chăm sóc, quản lý khi có ca F0 để đánh giá tỉ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc.
Đối với trạm y tế lưu động có 1 bác sĩ, 1 - 2 điều dưỡng thì có khả năng chăm sóc, quản lý 50 - 100 hộ có F0.
Đối với tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng có 1 bác sĩ, 1 - 2 điều dưỡng thì có khả năng chăm sóc, quản lý 50 - 100 hộ có F0.
Đối với tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng chỉ có nhân viên y tế, không có bác sĩ thì hỗ trợ trạm y tế, trạm y tế lưu động chăm sóc, quản lý từ 10 - 20 hộ có F0. Những cơ sở này không áp dụng để đánh giá tỉ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc F0/10.000 dân.
Sở Y tế TP cũng đề nghị cơ sở chăm sóc, quản lý F0 tại nhà khi tiếp nhận thông tin của người dân khai báo có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính phải đánh giá tình trạng lâm sàng và khai thác yếu tố dịch tễ.
Trong trường hợp chưa đủ chứng cứ để xác định là F0 theo quy định của Bộ Y tế, cơ sở chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà thực hiện lại xét nghiệm cho người bệnh bằng xét nghiệm nhanh do Bộ Y tế cấp phép.
Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện, gửi kế hoạch và tổng hợp năng lực chăm sóc F0 tại nhà của các phường, xã, thị trấn về sở trước ngày 20-2 để công khai trên Cổng thông tin điện tử Sở Y tế.