TP.HCM: Quận huyện nào chưa tiêm vắc xin cho trẻ vào ngày mai phải báo cáo Sở Y tế

3 năm trước 236
 Quận huyện nào chưa tiêm vắc xin cho trẻ vào ngày mai phải báo cáo Sở Y tế - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) chờ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 chiều 27-10 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chiều 27-10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cùng phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng đã đến khảo sát công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho hơn 300 học sinh lớp 12 tại Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1).

Đây là địa phương thứ 2 ở TP tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em. Trước đó, sáng 27-10, huyện Củ Chi đã tổ chức tiêm chủng cho 1.500 trẻ em từ 16 - 17 tuổi, chủ yếu là học sinh lớp 12, một số ít là học sinh lớp 11. 

Ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết ngày mai, các quận, huyện trong TP sẽ đồng loại triển khai tiêm vắc xin cho trẻ. Quận, huyện nào chưa thể tiêm vắc xin vào ngày mai thì phải báo rõ lý do cho Sở Y tế trong chiều cùng ngày.

Ông Hưng nhấn mạnh dù TP triển khai tiêm vắc xin đồng loạt tại các quận, huyện vào ngày mai nhưng quận, huyện phải đủ các điều kiện, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng thì mới tiến hành tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ.

 Quận huyện nào chưa tiêm vắc xin cho trẻ vào ngày mai phải báo cáo Sở Y tế - Ảnh 2.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cùng phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng khảo sát điểm tiêm Trường THPT Lương Thế Vinh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Có mặt tại điểm tiêm chủng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), ông Lê Phước Hùng - giám đốc Trung tâm Y tế quận 1 - cho biết tối 26-10, Trung tâm Y tế quận 1 đã nhận được 3.000 liều vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Trong chiều 27-10 sẽ có 326 học sinh của trường được tiêm.

Ngoài điểm tiêm này, các điểm tiêm chủng cho trẻ trong quận đều đã sẵn sàng, chỉ đợi chỉ đạo của Sở Y tế, quận sẽ tiến hành tiêm chủng ở nhiều điểm tiêm trong ngày mai.

Quận 1 cũng ưu tiên tiêm cho trẻ từ 16 - 17 tuổi trước, sau đó mới hạ dần độ tuổi. Hiện quận 1 có hơn 12.000 trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Nhận xét về đợt tiêm vắc xin cho trẻ em, ông Hùng cho biết trẻ em là đối tượng khá nhạy cảm, không chủ động được việc quyết định tiêm vắc xin cho chính mình mà phải cần sự đồng thuận của cha mẹ. Đợt tiêm vắc xin này, ngành y tế nhận được sự hỗ trợ của ngành giáo dục trong nhiều khâu như mời học sinh đến tiêm, cấp giấy chứng nhận tiêm chủng...

Bà Bùi Minh Tâm, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, bày tỏ sự vui mừng, an tâm khi hàng trăm học sinh lớp 12 của trường được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong chiều 27-10. Trường tổ chức khung giờ để mời học sinh đến tiêm, chứ không để đến "dồn" một lúc. Phụ huynh được đi cùng với con em của mình vào trường, tuy nhiên trước đó đều phải khai báo y tế...

Trong sáng 27-10, tại huyện Củ Chi có hơn 700 học sinh được tiêm.

 Quận huyện nào chưa tiêm vắc xin cho trẻ vào ngày mai phải báo cáo Sở Y tế - Ảnh 3.

Nhiều học sinh cho biết rất vui vì được tiêm vắc xin và mong sớm được trở lại trường học - Ảnh: DUYÊN PHAN

 Quận huyện nào chưa tiêm vắc xin cho trẻ vào ngày mai phải báo cáo Sở Y tế - Ảnh 4.

Em Bảo Ngọc điền thông tin vào phiếu tiêm, đồng hành cùng em luôn có cha của mình - Ảnh: DUYÊN PHAN

 Quận huyện nào chưa tiêm vắc xin cho trẻ vào ngày mai phải báo cáo Sở Y tế - Ảnh 5.

Mỗi học sinh đi tiêm kèm một phụ huynh hoặc người giám hộ đi theo - Ảnh: DUYÊN PHAN

 Tránh để hàng loạt trẻ xỉu, ói, la hét... theo dây chuyền tâm lý sợTiêm vắc xin cho trẻ: Tránh để hàng loạt trẻ xỉu, ói, la hét... theo dây chuyền tâm lý sợ

TTO - Do lo sợ hoặc bị tiêm đau, trẻ có thể xỉu, ói, mắc ói, la hét... trước, trong và sau tiêm. Trong chiến dịch tiêm chủng đại trà, nếu điểm tiêm xử lý không khéo léo thì có thể "lây lan" hàng loạt trẻ (gọi là tâm lý dây chuyền).

Nguồn bài viết