Điểm sinh hoạt văn hóa khu phố 6, phường 25, quận Bình Thạnh (TP.HCM) treo băng rôn tuyên truyền người dân chủ động phòng, chống sốt xuất huyết - Ảnh: XUÂN MAI
Theo báo cáo của HCDC, trong tuần 23 (từ ngày 3 đến 9-6), TP ghi nhận 1.586 ca bệnh sốt xuất huyết (gồm 936 ca nội trú và 650 ca ngoại trú), tăng 12,3% so với trung bình 4 tuần trước (1.412 ca), số ca nội trú tăng 15% và ngoại trú tăng 8,7%.
Số ca mắc tích lũy đến ngày 9-6 là 13.520 ca (8.123 ca nội trú và 5.397 ca ngoại trú), tăng 87,6% với cùng kỳ năm 2021 là 7.206 ca.
Còn số ca sốt xuất huyết nặng đến ngày 9-6 là 238 ca. Trong tuần chưa ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tính đến nay TP đã có 8 ca tử vong, tăng 6 ca so với cùng kỳ năm 2021 (2 ca).
Cũng trong thời gian này, TP ghi nhận 123 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 77 phường, xã thuộc 18/22 quận, huyện và TP Thủ Đức; tăng 12 ổ dịch mới so với tuần trước đó.
Qua giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết với 4 lượt tại 4 phường, xã ở 4 quận, huyện, HCDC nhận thấy các địa phương đều điều tra ca bệnh đầy đủ. Tuy nhiên, ở phường 14 (quận 11) có 2 ổ dịch đang hoạt động (3 ca) mà trạm y tế phường chưa phát hiện và xử lý kịp thời, các phiếu điều tra ca bệnh chưa thu thập đủ thông tin.
Về giám sát điểm nguy cơ, trong tháng 5, các phường thực hiện giám sát đủ chỉ tiêu. Riêng phường 14, quận 11 cũng chưa thực hiện tái giám sát đối với những điểm nguy cơ phát sinh lăng quăng.
Trước tình hình trên, HCDC đề nghị các địa phương thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng kết hợp hoạt động truyền thông. Cấp phường, xã cần rà soát, cập nhật danh sách các điểm nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời xây dựng kế hoạch giám sát và xử lý đối với từng loại hình điểm nguy cơ.
Trạm y tế phường, xã tiến hành điều tra dịch tễ các ca bệnh sốt xuất huyết khi nhận được thông báo và xử lý theo quy định. Thống kê ca bệnh và cập nhật ca bệnh trên hệ thống GIS nhằm đánh giá đầy đủ nguy cơ hình thành các ổ dịch và kiểm soát dịch tốt.
Đối với bệnh tay chân miệng, trong tuần ghi nhận 975 ca (gồm 861 ca ngoại trú và 114 ca nội trú), tăng 1,8% so với trung bình 4 tuần trước (958 ca). Trong đó số ca ngoại trú tăng 4,2% và nội trú giảm 13%. Số tích lũy đến ngày 9-6 là 5.784 ca, giảm 40,1% so với cùng kỳ 2021 (9.653 ca).
HCDC đề nghị các đơn vị liên quan triển khai hoạt động giám sát công tác phòng chống bệnh tay chân miệng và phối hợp giáo dục trong điều tra dịch tễ, thống kê ca bệnh để đánh giá nguy cơ hình thành ổ dịch và kiểm soát dịch.