TP.HCM mở cửa nhà hàng, quán ăn: thấy quá đông thì... đừng vào

3 năm trước 303
 thấy quá đông thì... đừng vào - Ảnh 1.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM và phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng đang trả lời chương trình - Ảnh: Chụp màn hình

Các hàng quán ở TP.HCM đã đồng loạt phục vụ tại chỗ trở lại sau nhiều tháng tạm đóng cửa do dịch. 

Thấy khách đông thì đừng vào!

Tuy nhiên, để mở như thế nào cho an toàn, đảm bảo trong bối cảnh chưa được phép phục vụ rượu bia tại chỗ vẫn "cửa đóng then cài" sẽ được bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM và phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng trả lời trực tiếp trong chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 29-10.

Trả lời thắc mắc Bộ tiêu chí không cho bán rượu bia tại chỗ vì sợ tụ tập đông, nhưng không bán thì khách có mang tới được không, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng "chúng ta không được chủ quan", dù bây giờ cho bán tại chỗ "nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là uống rượu bia khi giao lưu gặp gỡ". 

Bà Lan cho rằng, dù thí điểm tại quận 7 và TP Thủ Đức nhưng vẫn mong các con số nhiễm mới, tử vong giảm dần. 

"Nếu số ca tăng mạnh thì sẽ có thể không cho bán ăn uống tại chỗ đâu. Sợ nhất là các quận khác đổ về các quận thí điểm ăn uống. Mỗi người dân phải nhất quán trong bảo vệ sức khỏe của mình. Vui thôi đừng vui quá. Đóng hoài thì không chịu nổi, nhưng mở quá mà dân chủ quan thì đốt bỏ hết những gì thành phố đã làm", bà Phong Lan cảnh báo.

Bà Lan cũng nói thêm, dù luật không cấm người từ quận khác đến hai quận thí điểm ăn uống nhưng vẫn phải quét mã QR và thẻ xanh. Vì vậy, "bà con ráng thêm một chút nữa đi" trước việc vẫn hạn chế bán bia rượu tại nhà hàng, quán ăn.

 thấy quá đông thì... đừng vào - Ảnh 2.

Các bạn trẻ đi ăn nhà hàng ở TP.HCM trước thời điểm bùng phát làn sóng dịch lần thứ 4 - Ảnh minh họa: NGỌC HIỂN

Trả lời cho câu hỏi cửa hàng/quán ăn cần điều kiện gì để kinh doanh tại chỗ, bà Lan cho biết "các tiêu chí đơn giản thôi".  

Theo đó, thứ nhất là đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm, có giấy được cơ quan chức năng thẩm định và cấp phép. Nếu còn hiệu lực thì hoạt động, hết hạn thì làm thủ tục gia hạn. Đây không phải là thời điểm cho các quán xin mở mới. Kế đến, cơ sở đáp ứng phòng chống dịch bệnh, khoảng cách bàn ghế, vệ sinh khử khuẩn…

"Càng giữ khoảng cách càng tốt, 50% công suất. Nhưng quan trọng nhất là ý thức của mọi người. F0 ngồi trong quán nhiều, thấy đông người quá thì đừng vô", bà Lan nói.

Trước thắc mắc nhà hàng khách sạn có được phép phục vụ ăn uống, rượu bia khách đến lưu trú, bà Phong Lan cho hay nhà hàng tại cơ sở lưu trú du lịch được áp dụng không có ràng buộc về rượu bia và có giờ mở cửa như các quán ăn bình thường vì "chúng ta có chủ ý phục vụ du lịch. Ngoài khách của khách sạn vẫn đón khách bên ngoài được. Và đương nhiên, vẫn phải quét mã, khai báo y tế".

Riêng những điểm bán tự phát, bán qua mạng mở ra gây mất an toàn thực phẩm tới đây sẽ siết lại. 

“Mở ra cho kinh doanh trở lại nhưng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm”, bà Phong Lan nhấn mạnh.

Bà Lan cũng khuyến nghị người dân nếu phát hiện cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm thì “người dân đừng vô đó ăn và báo cho cơ quan chức năng đến xử lý. Nơi nào làm sai thì sẽ bị phạt, bị đóng cửa”.

Công nhân phải tiêm vắc xin mới được nhận làm việc

Theo phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng, nếu nhân viên chưa được tiêm mũi 2, khi quay trở lại thành phố làm việc sẽ được tiêm đầy đủ. Với những người chưa có công ăn việc làm, chưa có tạm trú tạm vắng, ông Hưng khẳng định “không cần hộ khẩu, chỉ cần CMND, tạm trú ở đâu thì đến địa phương đăng ký tiêm. Chỉ cần đưa CMND là được tiêm”.

Đặc biệt, bà Lan yêu cầu “chủ cơ sở phải lo cho công nhân tiêm mũi 1 ít nhất 14 ngày mới được nhận vào làm việc. Các chủ cơ sở cần tập hợp danh sách và yêu cầu địa phương tiêm cho doanh nghiệp”. 

Việc các chủ cơ sở e ngại quy định 14 ngày sau tiêm mới được đi làm, bà Lan cho rằng đó là yêu cầu bắt buộc nên TP.HCM “cần có chính sách người dân cứ lên thành phố cầm CMND là được tiêm”.

 thấy quá đông thì... đừng vào - Ảnh 3.

Tiêm vắc xin Pfizer cho học sinh tại Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, TP.HCM chiều 29-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trả lời cho các phụ huynh về việc cần giấy tờ gì để tiêm cho trẻ, ông Hưng thông tin hiện còn 3 ngày nữa để tiêm đại trà và 2 ngày tiêm vét. 

Thống kê sơ bộ có 780.000 cháu ở thành phố, chủ yếu là trẻ đi học ở các trường phổ thông sẽ được tiêm vắc xin. Việc tiêm sẽ thông qua 2 khu vực: học sinh nào đi học thì sẽ tiêm tại trường đang học hoặc trường tập trung thuận tiện đi lại. Còn với học sinh không đi học thì tiêm ở cộng đồng như trạm y tế, bệnh viện. 

“Riêng các cháu có bệnh nền thì cần vào các bệnh viện quận, huyện. Ngoài ra trong đợt này tiêm cho các cháu đang điều trị ở bệnh viện chuyên khoa nhi nếu qua khám sàng lọc đủ điều kiện, kể cả các cháu ở tỉnh về TP.HCM điều trị tại bệnh viện. Các cháu ở tỉnh lên tạm trú ở TP.HCM cũng được tiêm luôn nếu đủ tuổi”, ông Hưng chia sẻ và cho biết thêm độ tuổi trẻ em được tiêm vắc xin là "sinh năm 2009 trở đi và trước ngày 27-10".

Khi nào tiêm dưới 12 tuổi? Khi nào được tiêm mũi 2 cho trẻ em? 

Theo ông Hưng, hiện Bộ Y tế có kế hoạch nhưng phải đến năm sau. Khoảng cách 2 mũi tùy vào loại vắc xin, có hai loại Pfizer và Moderna được duyệt, nhưng hiện tại chỉ có Pfizer và khoảng cách từ 3-4 tuần sau sẽ tiêm mũi 2. 

Ông Hưng cho biết với các cháu có vấn đề về sức khỏe như bệnh bẩm sinh, bệnh nền (béo phì, tăng huyết áp, ung thư...) khi nhận được thư mời tiêm có thể đến điểm tiêm bình thường, trừ nghi ngờ nhiễm COVID-19. 

Theo đó, khi đến điểm tiêm sẽ có đội ngũ khám sàng lọc xem các cháu có đủ điều kiện tiêm hay không. Nếu đủ điều kiện thì tiêm ngay. Trường hợp cần hoãn tiêm thì sẽ có thời gian hẹn khám rồi tiêm. 

Giải đáp về e ngại liệu trẻ em có bị phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin, ông Hưng cho hay tỉ lệ phản ứng của Pfizer “rất thấp”, nhưng sau khi tiêm, cần giữ các cháu lại tối thiểu 30 phút. 

“Các phụ huynh phải theo dõi các cháu 28 ngày, đặc biệt là 7 ngày đầu, quan trọng nhất là 3 ngày đầu tiên theo dõi 24/24 giờ. Hạn chế cho các cháu vận động mạnh trong giai đoạn này. Nếu xuất hiện triệu chứng như đau đầu, đau cơ, đau khớp, sốt cao phải xử lý như báo vào số điện thoại khi tiêm để nhân viên y tế tư vấn, xử lý hoặc đưa đến các cơ sở y tế”, ông Hưng lưu ý.

Đề cập đến việc tới đây có đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm hay không, bà Phong Lan cho biết TP.HCM sẽ có hai loại kiểm tra.

Thứ nhất là kiểm tra về điều kiện phòng chống dịch, với yêu cầu chủ cơ sở phải có kế hoạch phòng chống dịch bệnh.

Thứ hai là kiểm tra an toàn thực phẩm: hiện đã khởi động lại toàn bộ hệ thống thanh tra. Tuy nhiên, việc kiểm tra có thể kết hợp cả hai nội dung để cơ sở đỡ phải suốt ngày tiếp thanh tra.

 Những điều cần biết về kiểm soát dịch và kinh doanh ăn uống tại chỗDÂN HỎI - THÀNH PHỐ TRẢ LỜI: Những điều cần biết về kiểm soát dịch và kinh doanh ăn uống tại chỗ

TTO - Tối nay, 29-10, chương trình livestream Dân hỏi - Thành phố trả lời với chủ đề "Kiểm soát dịch và kinh doanh ăn uống tại chỗ - Những điều cần biết" sẽ diễn ra lúc 20h.

Nguồn bài viết