TP.HCM kiến nghị hàng loạt giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

3 năm trước 345
TP.HCM kiến nghị hàng loạt giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Một doanh nghiệp đang duy trì sản xuất "3 tại chỗ" ở TP.HCM - Ảnh: CHÂU PHẠM

Các đề xuất, kiến nghị của TP.HCM xoay quanh nhiều lĩnh vực từ đảm bảo vùng nguyên liệu, lưu thông hàng hóa, duy trì sản xuất, hỗ trợ về tài chính, lãi suất ngân hàng... với một số điểm nhấn.

Gỡ khó cho doanh nghiệp "3 tại chỗ", giảm giá điện

Theo UBND TP.HCM, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để tổ chức phương án sản xuất theo mô hình sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến", song không thể kéo dài. 

Do đó, TP kiến nghị Thủ tướng ban hành hướng dẫn thống nhất chung về tiêu chí chủ yếu bắt buộc phải tuân thủ để bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong tất cả lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh và cách thức kiểm tra, giám sát, từ đó tạo điều kiện các doanh nghiệp chủ động bố trí phù hợp tình hình thực tiễn và được phép hoạt động khi đáp ứng đủ điều kiện an toàn phòng chống dịch (không phân biệt ngành nghề). 

UBND TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất "3 tại chỗ" giảm chi phí, như giảm giá điện sản xuất hoặc miễn giá điện sinh hoạt của công nhân như đối với các khu cách ly, hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 cho công nhân miễn phí, hỗ trợ phun thuốc khử khuẩn, tiêm vắc xin...

Kiến nghị coi COVID-19 là "tai nạn bất khả kháng"

Về chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng cho doanh nghiệp, UBND TP.HCM đã đề xuất hàng loạt giải pháp.

Trong đó, cần phân loại doanh nghiệp thành 3 nhóm để xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp tình trạng hoạt động của doanh nghiệp: doanh nghiệp đã giải thể, phá sản; doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động; doanh nghiệp đang còn hoạt động. 

Theo dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, thời hạn áp dụng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là hết tháng 12-2021. 

UBND TP kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng ít nhất đến hết quý 1-2022 và có thể đến hết tháng 6-2022.

Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch (như du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải, chiếu phim, hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí...), cần nâng mức giảm VAT lên 50% (thay vì 30% như dự thảo).

Về chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, UBND TP.HCM kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất cho người thuê đất gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19 với mức giảm là 30% trong năm 2021, riêng các doanh nghiệp ngành du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp và liên tục trong hai năm 2020 và 2021 thì mức giảm là 50%.

Đặc biệt, UBND TP kiến nghị chấp thuận dịch COVID-19 đang diễn ra là tai nạn bất khả kháng, để doanh nghiệp được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh.

UBND TP kiến nghị cho phép doanh nghiệp được khấu trừ chi phí phòng, chống dịch COVID-19 để duy trì sản xuất trong các khoản nộp ngân sách.

Ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp

Theo UBND TP.HCM, hiện tất cả nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm tại TP.HCM đều lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đến từ các tỉnh, nhất là 19 tỉnh thành phía Nam. Bất cứ một sự đứt gãy nào đều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, xuất khẩu và đời sống người dân.

Do đó, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh phải đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, cần được ưu tiên, tạo mọi điều kiện duy trì sản xuất, không bị đứt gãy nguồn cung trong thời gian tới.

Đồng thời, TP kiến nghị chỉ kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa tại nhà máy, tại kho, không kiểm tra trên đường, cần ban hành phương thức kiểm tra phương tiện vận chuyển người và hàng hóa lưu thông qua các chốt kiểm soát dịch bệnh để thống nhất áp dụng trong khu vực thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 và trên cả nước.

Ngoài ra TP cũng kiến nghị các giải pháp để hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm.

Chuyện về hàng thiết yếuChuyện về hàng thiết yếu

TTO - Bánh mì, bún, đậu hũ... là thực phẩm quen thuộc với bữa ăn của người dân lao động thị thành. Vì phòng dịch mà chủ các cơ sở nhỏ lẻ làm những mặt hàng này phải đóng cửa, người dân cũng khó mua.

Nguồn bài viết