TP.HCM gỡ phong tỏa cho nhiều điểm bán hàng thiết yếu

3 năm trước 222
TP.HCM gỡ phong tỏa cho nhiều điểm bán hàng thiết yếu - Ảnh 1.

Người dân mua thực phẩm tại một siêu thị trên đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Với sự hỗ trợ của Sở Công thương TP.HCM và Sở Y tế TP, thời gian phong tỏa nhiều siêu thị, cửa hàng, chợ… được rút ngắn lại, vừa đảm bảo an toàn chống dịch vừa duy trì được hoạt động cung ứng, bình ổn hàng hóa thiết yếu cho người dân. 

Ước tính trong ngày 2-7, đã có khoảng 10 điểm bán hàng thiết yếu là siêu thị, cửa hàng thực phẩm được mở cửa trở lại.

Đại diện Trung tâm MM Mega Market An Phú cho biết ngay khi UBND phường An Phú, TP Thủ Đức có thông báo kết thúc thời gian tạm phong tỏa, siêu thị quyết định mở cửa đón khách trở lại từ ngày 2-7. Sự khẩn trương này nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu thiết yếu của người dân sau hai ngày siêu thị này bị "giăng dây". 

Theo ghi nhận trong ngày trở lại, lượng khách mua sắm không quá đông đúc, hàng hóa được bày biện dồi dào, tươi ngon.

Ông Nguyễn Đức Toàn, giám đốc điều hành MM Mega Market, cho biết giá cả các mặt hàng ở mức ổn định, không tăng ngay cả với nhóm mặt hàng đang có nhu cầu cao. Đơn hàng online tăng đột biến trước nhu cầu của người dân, nên siêu thị đang cố gắng xử lý đơn hàng trong thời gian sớm nhất.

Theo ông Toàn, để thực hiện giãn cách, tránh tập trung đông người, siêu thị đã mở lại kênh mua sắm trực tuyến dành cho MM An Phú thông qua số hotline của trung tâm, website cũng như trang Zalo chính thức của siêu thị.

Cùng ngày, đại diện siêu thị AEON Việt Nam cũng cho biết đã được UBND Q.Tân Phú đồng ý cho phép mở cửa hoạt động trở lại khu vực siêu thị trong trung tâm mua sắm AEON Mall Tân Phú Celadon từ ngày 2-7.

Sau 5 ngày bị phong tỏa vì có liên quan ca nhiễm COVID-19, siêu thị đã đón khách trở lại có giới hạn thời gian từ ngày 30-6. Và đến ngày 2-7, thời gian hoạt động quay về như bình thường, nhà bán lẻ này đã chủ động tăng lượng nhập hàng, phục vụ nhu cầu mua sắm hàng thiết yếu tăng cao của người dân.

Theo hướng dẫn của cơ quan y tế, để sớm được đưa vào hoạt động trở lại, các siêu thị phải tuân thủ một loạt hướng dẫn, thực hiện các biện pháp cần thiết như phun khử khuẩn toàn bộ siêu thị; sàng lọc và cung cấp đầy đủ danh sách nhân viên được phân loại theo mức độ tiếp xúc với ca nghi nhiễm COVID-19, thực hiện các biện pháp cách ly theo hướng dẫn. 

Nhân viên siêu thị được bố trí làm lúc này không liên quan tới các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm trước đó, hoặc kiểm tra có kết quả âm tính. Đến nay, các điểm bán phải chưa phát hiện thêm ca dương tính với COVID-19 trong khu vực tạm phong tỏa.

Theo các nhà bán lẻ, công việc ưu tiên hiện nay là tập trung xử lý các đơn hàng online, vốn bị ùn ứ trong những ngày trước đó do hàng hóa ở những điểm bán phong tỏa cũng không được vận chuyển ra ngoài.

Theo thống kê của Sở Công thương TP.HCM, tính đến cuối ngày 2-7, đã có 105 chợ truyền thống phải tạm ngưng hoạt động, trong đó có một chợ đầu mối. Ngoài ra có 65 siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải đóng cửa vì liên quan đến các ca mắc COVID-19.

Tuy nhiên, trong ngày, đã có nhiều điểm bán là cửa hàng thực phẩm, siêu thị đã được mở cửa trở lại. Trong đó có 5 cửa hàng tiện lợi thuộc các chuỗi Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Satrafood, còn lại là các siêu thị của Vinmart, Co.opmart, MM Mega Market An Phú.

Làm gì khi chợ, siêu thị đều sợ có ca nhiễm?Làm gì khi chợ, siêu thị đều sợ có ca nhiễm?

TTO - Trong ngày 29-6, TP.HCM có thêm nhiều chợ, siêu thị phải tạm ngưng hoạt động vì liên quan các ca COVID-19. Làm sao giữ ổn định phòng tuyến thực phẩm và người dân cần làm gì để an toàn khi đi chợ trong mùa dịch?

Nguồn bài viết