TP.HCM: Doanh nghiệp không dừng hoạt động nếu phát hiện ca F0

3 năm trước 225
 Doanh nghiệp không dừng hoạt động nếu phát hiện ca F0 - Ảnh 1.

Xe vận tải hàng hóa được kiểm tra để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 - Ảnh: THU HIẾN

Ngày 2-11, Sở Y tế cho biết đã có văn bản về việc hướng dẫn tạm thời phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động liên tục khi phát hiện ca nhiễm COVID-19.

Theo đó, người lao động tham gia hoạt động sản xuất phải đảm bảo một trong các điều kiện sau: đã tiêm vắc xin đủ liều, đã tiêm ít nhất 1 mũi và có kế hoạch tiêm mũi 2, hoặc nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh.

Khi phát hiện người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 hoặc có yếu tố dịch tễ, bộ phận sàng lọc thông tin ngay cho tổ y tế hoặc báo cáo lãnh đạo cơ sở, doanh nghiệp liên hệ với đơn vị y tế để tổ chức xét nghiệm kiểm tra COVID-19 theo quy định.

Sở Y tế đề nghị cơ sở trên phải tổ chức khu vực làm việc thông thoáng, người lao động tuân thủ 5K, giữ khoảng cách 1m; người lao động ăn theo ca, giữ khoảng cách 2m, không ngồi đối diện, có vách ngăn, phân luồng ra vào nhà ăn…

Cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thành lập tổ y tế để theo dõi sức khỏe người lao động, giám sát sự tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Sở Y tế TP.HCM xây dựng quy trình 4 bước hướng dẫn các doanh nghiệp xử lý khi phát hiện F0 tại cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.

Bước 1: Tạm thời cách ly F0 ở buồng cách ly hoặc khu vực cách ly của đơn vị và liên hệ ngay cơ quan y tế địa phương để được hỗ trợ.

Bước 2: Đánh giá tình trạng sức khỏe của F0. Nếu phát hiện F0 có dấu hiệu suy hô hấp (thở nhanh hoặc khó thở hoặc SpO2 dưới 96%) cho thở oxy, liên hệ và chuyển F0 đến bệnh viện có chức năng điều trị COVID-19.

Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ thì tư vấn và hướng dẫn F0 tự đánh giá mức đạt các tiêu chí cách ly tại nhà. Nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì F0 tự đề nghị địa điểm cách ly phù hợp, có thể chọn cơ sở cách ly của doanh nghiệp, cơ sở cách ly tập trung hoặc cơ sở cách ly có thu phí.

Bước 3: Nhập thông tin F0 vào ứng dụng “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”.

Bước 4: Tạm ngưng hoạt động khu vực xảy ra F0 để vệ sinh khử khuẩn, xét nghiệm cho tất cả F1 theo quy mô ổ dịch, điều tra xác định quy mô, tính chất ổ dịch.

Nếu F0 ở 1 dây chuyền sản xuất thì xử lý trên quy mô dây chuyền. Nếu F0 ở từ 2 dây chuyền sản xuất trở lên trong cùng 1 phân xưởng thì xử lý trên quy mô toàn phân xưởng.

Nếu F0 ở từ 2 dây chuyền trở lên nhưng ở các phân xưởng khác nhau và không có mối liên quan dịch tễ với nhau thì chỉ xử lý trong quy mô từng dây chuyền. Trong trường hợp F0 ở từ 2 dây chuyền trở lên ở các phân xưởng khác nhau và có mối liên hệ dịch tễ thì xử lý trên quy mô toàn cơ sở sản xuất.

F1 là những người tiếp xúc gần với F0 ở khoảng cách dưới 2m trong thời gian trên 15 phút như làm việc cạnh F0 trong dây chuyền sản xuất, ngồi cùng bàn ăn, ngồi cùng bàn trong cùng phòng làm việc...

Về việc theo dõi F1, nếu cơ sở sản xuất có trên 80% người lao động tiêm chủng đầy đủ thì tất cả F1 tiếp tục lao động, xét nghiệm lại vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7, tiếp tục xét nghiệm 7 ngày/lần cho đến khi không còn phát hiện F0.

Trường hợp cơ sở sản xuất có dưới 80% người lao động tiêm chủng đầy đủ, thì đối với F1 chưa được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ phải cách ly 14 ngày tại nhà (nếu đủ điều kiện) hoặc tại cơ sở cách ly, xét nghiệm lại vào ngày thứ 14. Còn đối với F1 đã tiêm vắc xin đầy đủ thì xử lý như trường hợp F1 của cơ sở sản xuất có trên 80% người lao động đã tiêm đủ vắc xin.

'3 tại chỗ' vì sao nhiều ca F0, doanh nghiệp phải dừng sản xuất?

TTO - Không đủ nguồn lực triển khai, quy trình kiểm soát dịch khó khăn do nguồn lây 'bủa vây' khiến nhiều doanh nghiệp thực hiện '3 tại chỗ' trở thành nơi lây lan dịch bệnh với tốc độ chóng mặt.

Nguồn bài viết