TP.HCM: 3 người phản ứng phản vệ độ 2 sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19

3 năm trước 327
 3 người phản ứng phản vệ độ 2 sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh 1.

Bác sĩ trẻ Dư Lê Thanh Xuân, 28 tuổi, là người được tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 đầu tiên tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ngày 17-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) cho biết tính đến ngày 16-3, TP đã có 824 nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã được tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19 do AstraZeneca/SKBio sản xuất.

Trong đó, đã ghi nhận những trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm chủng, như sưng đau tại chỗ tiêm, đau cơ, đau đầu, sốt, đau khớp, bồn chồn, khó chịu, ớn lạnh, chóng mặt, tiêu chảy, đau họng.

Tỉ lệ phản ứng thông thường xảy ra sau tiêm vắc xin COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được báo cáo tương tự như thông báo của nhà sản xuất AstraZeneca, và những nghiên cứu lâm sàng trên thế giới.

Theo HCDC, không riêng vắc xin COVID-19 do AstraZeneca sản xuất, hầu hết các loại vắc xin khác cũng đều có phản ứng sau tiêm với một tỉ lệ nhất định.

Ngoài những phản ứng thông thường, TP ghi nhận thêm 6 trường hợp có triệu chứng khác. Cụ thể 1 trường hợp bị huyết áp kẹp, 2 ca tiêu chảy độ trung bình và 3 ca phản ứng phản vệ độ 2.

Ngay khi ghi nhận những trường hợp phản ứng sau tiêm, HCDC đã tổ chức điều tra, đánh giá nguyên nhân sự cố bất lợi sau tiêm chủng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Sở Y tế TP.HCM đã họp hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân sự cố bất lợi sau tiêm chủng đối với 3 trường hợp phản ứng phản vệ độ 2, đã được điều trị kịp thời, diễn tiến ổn định, xuất viện sau 24 giờ.

Quy trình bảo quản, vận chuyển vắc xin, thực hành tiêm chủng an toàn và xử trí sau tiêm chủng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế.

Qua kinh nghiệm phát hiện và xử trí 3 trường hợp phản ứng phản vệ độ 2 sau tiêm chủng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Sở Y tế chỉ đạo HCDC  khẩn trương tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai tiêm chiến dịch vắc xin phòng bệnh COVID-19 cho các cơ sở tiêm chủng sắp tới, đảm bảo việc tổ chức tiêm chủng an toàn.

Nhân viên y tế sau tiêm chủng phải được theo dõi đúng quy định nhằm phát hiện sớm, và xử trí kịp thời những phản ứng có thể xảy ra.

Các cơ sở tiêm chủng đặc biệt lưu ý hướng dẫn những người được tiêm chủng theo dõi tại điểm tiêm ít nhất 30 phút, và hướng dẫn họ tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Mỗi cơ sở tiêm chủng chủ động hoặc phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn tổ chức đội cấp cứu tại đơn vị trong buổi tiêm chủng, có quy trình xử trí cấp cứu rõ ràng để sẵn sàng xử trí ngay khi xảy ra sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, cả nước hiện đã tiêm chủng tổng cộng 20.695 người, trong đó có 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm. Một số ít người phản ứng phản vệ độ 2 - 3, đã được xử lý và đều ổn định sức khỏe.

Thời gian tới, việc kiểm soát dịch COVID-19 phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vắc xin. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vắc xin nhập khẩu còn hạn chế, và dự kiến đến năm 2022, vắc xin do Việt Nam sản xuất mới được đưa vào sử dụng.

Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế và hiệu quả theo thông điệp 5K.

Mừng và mong sớm được tiêm ngừa vắc xin COVID-19Mừng và mong sớm được tiêm ngừa vắc xin COVID-19

TTO - Những người nghèo nghe tin đã có lô vắc xin ngừa COVID-19 về Việt Nam có hai tâm trạng: vui vì có thể sớm khống chế dịch, sớm trở lại mưu sinh bình thường và mong sớm được tiêm ngừa để không lo lắng về dịch bệnh nữa.

Nguồn bài viết