Tiểu đa phương ASEAN ở Biển Đông

3 năm trước 300
Tiểu đa phương ASEAN ở Biển Đông - Ảnh 1.

Một tàu hải cảnh Trung Quốc được nhìn từ tàu hải quân Indonesia đang trong cuộc tuần tra ở khu vực Biển Bắc Natuna - Ảnh: REUTERS

Điều này cũng trùng hợp với căng thẳng gần đây giữa Indonesia với Trung Quốc ở khu vực ngoài khơi quần đảo Natuna thuộc chủ quyền Indonesia.

"Vun đắp tình anh em"

Phó đô đốc Aan Kurnia - người đứng đầu Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia - tuyên bố rằng ông đã mời những người đồng cấp từ Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam tham dự một cuộc họp vào tháng 2-2022 để "chia sẻ kinh nghiệm và vun đắp tình anh em".

Mặc dù mục tiêu có vẻ mang tính thân mật, nhưng thành phần các quốc gia tham dự đều là những quốc gia hiện nay đang có tranh chấp với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, hoặc ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở như trường hợp Singapore, cho thấy một thể chế tiểu đa phương ASEAN với các quốc gia có lợi ích song trùng sẽ giúp các thành viên đoàn kết hơn.

Indonesia lâu nay vẫn khẳng định rằng nước này không phải là một bên có tranh chấp cũng như có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, đó không phải là điều Trung Quốc bận tâm. Trong các năm qua, Trung Quốc đã điều các tàu đánh cá cỡ lớn, thường đi cùng với lực lượng cảnh sát biển, tàu dân quân biển và tàu thăm dò địa chất vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia gần quần đảo Natuna mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần của "đường chín đoạn".

Diễn biến căng thẳng với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông kéo dài 6 tháng, bắt đầu từ cuối tháng 6-2021 cho đến tháng 12-2021, đã khiến cho Indonesia thấy rằng họ không còn thể đứng ngoài những tranh chấp Biển Đông.

Sau một thời gian sử dụng các tàu cảnh sát biển và tàu địa chính quấy phá giàn khoan Indonesia đang khảo sát gần quần đảo Natuna bên trong khu đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia, Bắc Kinh đã đẩy mâu thuẫn với Jakarta lên đến đỉnh điểm khi Bắc Kinh mới đây chính thức yêu cầu Jakarta ngừng hoạt động giàn khoan và tuyên bố Indonesia xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc.

Theo luật pháp quốc tế, Biển Bắc Natuna là một phần EEZ của Indonesia và nước này có chủ quyền đối với việc đánh bắt cá và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển này. Indonesia bây giờ hiểu rằng họ không thể tiếp tục giữ quan hệ nồng ấm tốt đẹp với Trung Quốc cả về thương mại lẫn ngoại giao.

Đẩy Indonesia nhích lại gần Mỹ

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào năm 2015, chỉ một năm sau khi nhậm chức tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Indonesia Widodo nhấn mạnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng dự án "Con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21" của Trung Quốc phù hợp với chính sách ngoại giao "Indonesia là trục bản lề hàng hải của toàn cầu".

Tuy nhiên sau đó, trước những hành động ngày càng quyết đoán của các lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc ở khu vực vùng biển Natuna, chính quyền Tổng thống Widodo bắt đầu có những chính sách mạnh mẽ, thể hiện công khai quan điểm ủng hộ luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Vào tháng 5-2020, Indonesia đã gửi cho Liên Hiệp Quốc một công hàm chính thức bác bỏ yêu sách lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông được chỉ ra bằng bản đồ "đường chín đoạn" của nước này. Tuyên bố nói rõ rằng "Indonesia không bị ràng buộc bởi bất kỳ tuyên bố nào được đưa ra trái với luật pháp quốc tế".

Để tránh căng thẳng leo thang xung quanh vụ giàn khoan, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã hội đàm trực tuyến với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phương Hòa vào ngày 30-11 vừa qua và nhấn mạnh hai bên mong muốn tăng cường trao đổi thông tin cấp cao, cải thiện các cơ chế hợp tác, điều phối đa phương, chung tay chống lại chủ nghĩa bá quyền và tư tưởng Chiến tranh lạnh, xử lý các tranh chấp và bất đồng theo quy định, bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tháng 9 năm ngoái, Indonesia nêu quan ngại cho rằng thỏa thuận an ninh ba bên Úc - Anh - Mỹ (AUKUS) có thể châm ngòi cuộc đua vũ trang trong khu vực. Động thái này ít nhất cho thấy Indonesia không ủng hộ sáng kiến an ninh của Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đang vượt qua lằn ranh đỏ của Indonesia về chủ quyền ở khu vực quần đảo Natuna đã khiến cho Indonesia phải nhích lại Mỹ gần hơn.

Trong khi các tàu Trung Quốc vẫn đang quấy phá giàn khoan Indonesia thì vào tháng 11-2021, Mỹ và Indonesia đã có cuộc tập trận hải quân thường niên có tên Hợp tác đào tạo và sẵn sàng trên biển (CARAT) ngoài khơi Indonesia. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến thăm Jakarta vào giữa tháng 12 vừa rồi đã có phát biểu mạnh mẽ: "Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc mà chúng tôi đã cùng nhau xây dựng trong nhiều thập niên để đảm bảo khu vực vẫn cởi mở và dễ tiếp cận".

Các hoạt động của Indonesia, từ việc thúc đẩy quan hệ với Mỹ cũng như với các quốc gia ASEAN có cùng lợi ích liên quan ở Biển Đông, cho thấy chính sách quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông sẽ gặp đáp trả mạnh mẽ hơn trong năm 2022.

Hành động nực cười

Trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến lần đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 11 năm ngoái, ông Tập tuyên bố "Trung Quốc đã, đang và sẽ luôn là láng giềng tốt, người bạn tốt và đối tác tốt của ASEAN". Ông Tập cũng nói thêm rằng Trung Quốc "tuyệt đối sẽ không mưu cầu bá chủ, thậm chí là bắt nạt quốc gia nhỏ" trong khu vực.

Không ai rõ nội hàm về hình ảnh Trung Quốc tốt đẹp mà ông Tập đề cập là gì, nhưng việc Trung Quốc đang tìm kiếm sự ủng hộ của Indonesia và các quốc gia nòng cốt khác của ASEAN nhằm phản đối các sáng kiến đa phương của Mỹ và đồng minh trong khu vực, trong khi vẫn tiếp tục xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng ở Biển Đông, là một hành động khá nực cười.

Vì sao các ngoại trưởng ASEAN dự họp cùng đồng cấp G7?Vì sao các ngoại trưởng ASEAN dự họp cùng đồng cấp G7?

TTO - Hôm 11-12, các ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày tại thành phố Liverpool, tây bắc nước Anh.

Nguồn bài viết